Nguồn kinh phí từ ngân sách xấp xỉ 800 tỷ đồng để chi cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng các chính sách theo quy định của trung ương và chính sách đặc thù của Hà Nội; còn nguồn xã hội hóa gần 205 tỷ đồng để chi hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng ngoài chính sách.
Nhiều trường hợp được đón nhận nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội tại nhà.
Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách hơn 512 tỷ đồng được chi cho hơn 1,6 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ gồm 12 nhóm chính sách. Đến thời điểm này, Hà Nội đã triển khai được 11/12 nhóm, còn duy nhất nhóm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chưa đến với đối tượng thụ hưởng, là do các cơ quan chức năng chưa nhận được hồ sơ nào đề nghị hỗ trợ.
Các chính sách có nhiều người thụ hưởng là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng mức đóng % đã có 1,423 triệu lao động được tiếp cận, thụ hưởng. Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã có 28/30 quận, huyện, thị xã ra quyết định hỗ trợ cho gần 16.000 lao động; chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế đã đến với hơn 13.000 người.
Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) có 30/30 quận, huyện, thị xã đồng loạt triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cấp cơ sở. Đây cũng là nhóm có số người thụ hưởng tăng nhanh và tăng đều theo ngày. Đến cuối ngày 10-9, toàn thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho gần 137.000 lao động tự do với số tiền hơn 205 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/người), tăng gần 7.000 người so với cuối ngày 9-9. Như vậy, trong 10 ngày đầu tháng 9, toàn thành phố có thêm 44.000 lao động tự do được hỗ trợ.
Nguồn kinh phí từ ngân sách gần 287,5 tỷ đồng đã đến với gần 285.000 người, hộ kinh doanh hưởng theo các chính sách hỗ trợ an sinh đặc thù của thành phố Hà Nội. Đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn thành chi trả cho 282.654 người thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Các chính sách khác đang được các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai.
Phát huy tinh thần nhân ái, sẻ chia, dịp này, các đơn vị chức năng, các địa phương đã huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cấp bách các nhu cầu thiết yếu cho gần 675.000 lượt người, hộ gia đình. Tổng trị giá nguồn lực đã hỗ trợ là gần 205 tỷ đồng. Tính chung, Hà Nội đã hỗ trợ cho 2,56 triệu lượt người, gia đình gặp khó khăn do Covid-19.
Nhằm tiếp tục đưa nguồn lực trợ giúp đến người thụ hưởng, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai bài bản, linh hoạt. Tại những địa phương “vùng xanh”, hiện nay, các đối tượng đủ điều kiện có thể dễ dàng xây dựng hồ sơ đề nghị hỗ trợ để hưởng các chính sách của trung ương và đặc thù của thành phố. Vì thế, dự kiến trong những ngày tới, số lượng người được hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng nhanh.
Còn ở “vùng đỏ”, căn cứ tình hình thực tế, các bên liên quan đưa ra những phương án phù hợp để các chính sách đến sớm với người dân, người lao động. Chẳng hạn, tại quận Tây Hồ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Dương Văn Trường cho hay, quận tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công đối với nhóm lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương. Còn với lao động tự do, các bí thư chi bộ, cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố đi gặp người dân để tuyên truyền, phát tờ rơi, phát tờ khai và hướng dẫn cho người dân.
Tại quận Ba Đình, các tổ trưởng tổ dân phố, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng đi phát tờ đơn cho người dân và hướng dẫn kê khai; sau đó thu lại. Tổ trưởng tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng báo cáo lại danh sách những trường hợp lao động tự do đủ điều kiện thụ hưởng với UBND phường để họp xét duyệt, sau đó niêm yết công khai danh sách 2 ngày theo quy định. Kinh phí hỗ trợ cho người hưởng được các tổ trưởng dân phố trao tại nhà hoặc mời đến nhận tại nhà hội họp của khu dân cư, tổ dân phố theo khung giờ khác nhau, bảo đảm giãn cách.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. |
Minh Ngọc - Hà Nội mới