Ủy ban MTTQ quận Đống Đa phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự quận chuyển gạo tới các khu cách ly trên địa bàn phường Văn Chương. Ảnh: Trần Long
Chờ đồ tiếp tế của người thân
UBND quận Hoàn Kiếm vừa ban hành Quyết định số 3755/QĐ-UBND điều chỉnh phạm vi và thời gian cách ly y tế tại phường Chương Dương, theo đó sẽ tiếp tục cách ly y tế toàn phường từ nay đến ngày 28/8. Như vậy, đã tròn 17 ngày người dân phường Chương Dương trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cuộc sống bình thường của các hộ dân nơi đây hoàn toàn bị đảo lộn. Chị Nguyễn Thị Minh (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) cho biết, từ 31/7 đến nay cứ 2 - 3 ngày chị lại tiếp tế thực phẩm cho gia đình em gái đang sinh sống ở phố Bạch Đằng. "Trong khu phong tỏa không có chợ nên gia đình em nhờ tôi mua thực phẩm, rau xanh đủ cho gia đình sử dụng trong vài ngày rồi khi nào hết lại tiếp tục đưa thực phẩm tới” - chị Minh nói. Thực tế cho thấy, trong những ngày qua tại các chốt kiểm soát ra vào phường Chương Dương luôn đông người đến gửi đồ tiếp tế cho người thân đang sinh sống ở khu vực này.
Lý giải nguyên nhân khiến trong những ngày đầu thực hiện cách ly y tế người dân gặp khó khăn khi mua thực phẩm, lương thực, Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương Đoàn Quang Cường cho biết, phường Chương Dương với khoảng 23.000 dân, lại không có chợ, chỉ có 2 siêu thị nên việc cung ứng lương thực, thực phẩm thời gian này phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp tế từ người thân hoặc mua online. Những hộ là lao động tự do, không có người quen thân ở TP, hạn hẹp về kinh tế thì càng gặp nhiều khó khăn hơn trong sinh hoạt khi phường bị phong tỏa.
Không chỉ người dân phường Chương Dương gặp khó khăn những ngày đầu thực hiện cách ly y tế, người dân phường Văn Chương, Văn Miếu và Thổ Quan (quận Đống Đa) cũng trong tình trạng tương tự. Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại ngõ Văn Chương, trong những ngày đầu tiên thực hiện cách ly y tế người dân không được đi ra ngoài để mua sắm, trong khi các cửa hàng, siêu thị với lý do đây là khu vực phong tỏa nên từ chối đơn đặt hàng online.
Đa dạng các hình thức cung ứng hàng hóa
Theo các chuyên gia bán lẻ, để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong khu vực cách ly y tế đòi hỏi DN, cơ quan quản lý và UBND quận cần đa dạng phương thức cung ứng hàng hóa.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, tại các khu vực cách ly y tế, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh kết nối với các DN bán lẻ đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tổ chức điểm bán hàng lưu động cung ứng hàng thiết yếu. Để thực hiện hoạt động này, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT Hà Nội nên tạo điều kiện để những đơn vị bán lẻ vận chuyển lương thực, thực phẩm vào bán tại khu cách ly. Bên cạnh đó, UBND phường sở tại cũng cần phối hợp với DN tổ chức điểm bán thực phẩm, trước mắt có thể sử dụng trụ sở UBND phường, trường học làm điểm bán hàng. Về phía DN phải đảm bảo nhân viên tại các điểm bán hàng thực hiện nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế và được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. “Mô hình này không chỉ có tác dụng đảm bảo cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu mà còn hạn chế hiện tượng người dân nhờ người thân tiếp tế hàng hóa hoặc thuê shipper đưa đến khiến điểm giao nhận trở thành nơi tập trung đông người” - bà Hậu nói.
Đồng tình với ý kiến này, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để đảm bảo việc điều phối hàng hóa tại các địa bàn đang phải cách ly y tế, đơn vị đã chỉ đạo các siêu thị cung cấp đầy đủ hàng hóa cho Nhân dân tại các khu vực cách ly. “Trong trường hợp phải thực hiện giãn cách cả địa bàn quận, huyện thì chính quyền địa phương vẫn tiếp tục thực hiện 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng đồng thời báo cáo UBND TP và liên hệ với Sở Công Thương, các đơn vị liên quan để được hỗ trợ đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu yếu phẩm của người dân trên địa bàn và công tác phòng chống dịch” - bà Lan nói.
Khuyến khích việc đặt hàng online
Nói về phương thức đưa hàng tiêu dùng thiết yếu đến người dân khu vực cách ly, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, ngoài việc mở điểm bán hàng lưu động, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện nên khuyến khích người dân đặt mua hàng online qua đó hạn chế tập trung đông người, nhưng vẫn đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, rau xanh tới người dân khu vực cách ly. “Trong những ngày giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, trung bình 1 ngày siêu thị Co.op Mart Hà Đông đã nhận 400 -500 đơn mua hàng online của người dân quận Hà Đông” - bà Dung nêu ví dụ.
Về việc đảm bảo cho người dân trong khu vực cách ly không thiếu thực phẩm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, hiện quận đã phối hợp với các DN bán lẻ, cung cấp hàng hóa dồi dào, không để gia đình nào thiếu lương thực, thực phẩm. Đồng thời phường Chương Dương cũng thành lập tổ cung ứng với 80 thành viên đã được tiêm vaccine sẵn sàng mua giúp các nhu cầu thiết yếu khi người dân có nhu cầu. “Quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các siêu thị, cửa hàng tự chọn đóng trên địa bàn phường cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ Nhân dân. Các hộ dân có thể đặt hàng online để mua nhu yếu phẩm theo combo đồng giá 200.000 đồng/suất đủ để một gia đình 4 người sử dụng trong 2 ngày” - ông Long nói.
Quận Hoàn Kiếm đã tổ chức 3 điểm tiếp nhận hàng tiêu dùng thiết yếu tới người dân phường Chương Dương gồm điểm Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ và Cầu Đất. Giờ tiếp nhận hàng hóa từ 8 - 10 giờ và từ 14 - 16 giờ hàng ngày, thực hiện liên tục cho đến khi phường Chương Dương được dỡ phong tỏa; Công ty CP Đồng Xuân chở gạo xuống cung ứng cho bà con, hàng hóa hỗ trợ từ các nguồn khác được UBND quận phân bổ đều, đảm bảo đến tay từng người dân. Với những trường hợp bị thất lạc, người dân có thể thông báo và gửi hình ảnh thùng hàng vào số điện thoại của tổ cung ứng để tìm kiếm.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long
Các xã, phường và UBND các quận, huyện, thị xã cần thành lập tổ tiếp nhận, điều phối nhu yếu phẩm trong thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho Nhân dân. Đồng thời chỉ đạo đoàn thể, tổ dân phố, lực lượng chức năng hỗ trợ, vận chuyển đưa hàng. Trong quá trình vận chuyển nên triển khai phương thức giao hàng linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch thực tế, tránh tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng đang bị cách ly. Bên cạnh việc bố trí các vị trí trung chuyển hàng hóa để thực hiện giao nhận, nên tổ chức các địa điểm cho DN bán lẻ, thương mại điện tử chuyển hàng đến phục vụ Nhân dân.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan
|
Lê Nam - KTĐT