Xử lý 18.310 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Theo đánh giá sơ bộ, 3 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với quý liền kề; giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ năm 2022.
Cảnh sát giao thông được cung cấp trang thiết bị hiện đại khi làm nhiệm vụ
Nhiều địa bàn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong công tác tham mưu, triển khai các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông, số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 như quận, huyện: Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Sóc Sơn.
Có được kết quả đó là nhờ các đơn vị đã mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trong quý I/2023, lực lượng công an thành phố Hà Nội đã xử lý 71.167 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền trên 148,3 tỷ đồng. Trong đó, xử lý 18.310 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn của Hà Nội chiếm 14,1% tổng số xử lý vi phạm nồng độ cồn của cả nước.
Phòng Cảnh sát giao thông đã cùng công an các quận, huyện, thị xã triển khai thường xuyên, quyết liệt các biện pháp, giải pháp, tập trung xử lý các vi phạm liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Các tổ công tác 141 cũng xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó 2.532 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 2.532 phương tiện; phát hiện 35 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao 41 đối tượng cho các đơn vị chức năng điều tra, giải quyết...
Tiếp tục tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục nỗ lực, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông, đặc biệt quyết liệt triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, phương tiện chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, không để tình trạng tái diễn phức tạp.
Các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ, ngăn chặn, bắt giữ các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, mang theo hung khí “diễu phố”, khiến người dân hoang mang, lo lắng, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.
Xử lý nồng độ cồn khép kín các tuyến phố
Trước đó, ngày 3/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Văn bản số 348/UBND-ĐT về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, để công tác phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn chuyển biến tích cực, thực chất, hiệu quả, bền vững; quyết tâm hình thành văn hóa, thói quen “Đã uống rượu bia - không lái xe”, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng thành phố bằng những hình thức. Cụ thể: Trên các trang thông tin báo chí, mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn và tuyên truyền trực tiếp tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, tổ dân phố…
UBND cấp huyện chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, làm việc với các cơ sở kinh doanh có điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn để phối hợp tuyên truyền, vận động khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; Có biện pháp phù hợp để người đã sử dụng rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông.
Thành phố yêu cầu công an thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND thành phố về tăng cường xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn".
Đáng chú ý, theo văn bản này, lực lượng chức năng có trách nhiệm, thông báo hành vi vi phạm của người là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.
Sự quyết liệt của các cơ quan chức năng Hà Nội trong xử lý vi phạm nồng độ cồn đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, thái độ của người tham gia giao thông, qua đó hình thành văn hóa, thói quen "đã uống rượu bia, không lái xe", đồng thời tạo sự đồng thuận, ủng hộ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Diệu Linh - TTTĐ