Hà Nội: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh

09/09/2022 18:46

Kinhte&Xahoi Các chỉ số hoạt động kinh doanh của TP Hà Nội tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và phát triển tốt.

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022, chiều 9/9, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo về thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) và Dự toán ngân sách nhà nước; Số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển KTXH trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022.

Quang cảnh buổi họp báo

Theo đó, về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 8/2022 và 8 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luỹ kế ước thực hiện đến hết tháng 8 là 223.132 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán, bằng 110,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương luỹ kế ước thực hiện đến tháng 8 là 43.129 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán đầu năm, bằng 110,1% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Ước hết tháng 8, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 4.567 tỷ đồng, tăng 7,4% so với thời điểm 31/12/2021. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 6,9%, tiền gửi thanh toán tăng 8,1% so với thời điểm 31/12/2021.

Tổng dư nợ tín dụng của các TCTD ước hết tháng 8/2022 đạt 2.863 tỷ đồng, tăng 10,7% so với 31/12/2021. Trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 11,6%, dư nợ trung và dài hạn tăng 10,2%, dư nợ VND tăng 11,8%, dư nợ ngoại tệ tăng 1,2% so với 31/12/2021.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 1.422 triệu USD, tăng 10% so với tháng 8/2021 (cùng kỳ giảm 34,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước 757 triệu USD, tăng 1,8%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 665 triệu USD, tăng 21,1%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn tăng cao như: Hàng dệt may 230 triệu USD, tăng 8,5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện 198 triệu USD, tăng 42,9%; xăng dầu 87 triệu USD, tăng 27,3%; máy móc và thiết bị phụ tùng 188 triệu USD, tăng 7%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ 77 triệu USD, tăng 24%...

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11.121 triệu USD, tăng 32,4% (cùng kỳ giảm 5,2%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 3.519 triệu USD, tăng 34,4% so với tháng 8/2021 (cùng kỳ tăng 36,6%). Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 27.686 triệu USD, tăng 27,5% (cùng kỳ tăng 21,8%); Trong đó khu vực kinh tế trong nước 22.515 triệu USD, tăng 32,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 5.171 triệu USD, tăng 8,3%.

Các chỉ số hoạt động kinh doanh tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và phát triển tốt. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 6,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 451,339 nghìn tỷ đồng, tăng 29% (cùng kỳ giảm 8,9%)... Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 8 ước đạt 132 nghìn lượt khách, tăng 22,2% so với tháng 7/2022 và tăng 18,5 lần so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 477 nghìn lượt khách, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Trong tháng 8, có 24 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký 10,75 triệu USD; Có 16 lượt góp vốn với số vốn 2,97 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, thành phố thu hút 992,4 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn 141,3 triệu USD; 122 lượt tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 374,6 triệu USD và 258 lượt góp vốn với số vốn 476,2 triệu USD.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 20.023 doanh nghiệp với số vốn 226.037 tỷ đồng (tăng 22% về số lượng doanh nghiệp và tăng 2% vốn đăng ký so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 7.783 doanh nghiệp (tăng 7%). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 342.181 doanh nghiệp...

Về an sinh xã hội, trong tháng 8, thành phố giải quyết việc làm cho 16.197 lao động, tăng 12.913 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 393,2% so với tháng cùng kỳ năm 2021 (khi thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, thành phố giải quyết việc làm cho 153.523/160.000 lao động, đạt 96% kế hoạch năm, tăng 38.728 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 33,7% so với 8 tháng đầu năm 2021. Công tác giáo dục nghề nghiệp được chú trọng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp toàn thành phố tuyển sinh và đào tạo 172.423 lượt người, đạt 76,8% kế hoạch, tăng 161,37% so với cùng kỳ năm 2021...

Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm

 Về tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022; Ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong đó, lĩnh vực Y tế dự kiến đầu tư 237 dự án với kế hoạch vốn 10.407,5 tỷ đồng.

Công đoàn Hà Nội tặng tặng túi An sinh Công đoàn cho công nhân ở khu nhà trọ tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ, đến nay, thành phố đã hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19; Thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng; 100% số đối tượng được phê duyệt đã nhận hỗ trợ (bao gồm: hỗ trợ bằng tiền mặt là 2.335,565 tỷ đồng, hỗ trợ cho vay là 324,204 tỷ đồng; kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương là 1.096,955 tỷ đồng, kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương là 1.562,814 tỷ đồng).

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chi trả bằng tiền mặt và giảm mức đóng vào Quỹ BHXH cho 3,239 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền 4.112,837 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn, thành phố đã uỷ quyền cho 30 quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đồng thời chỉ đạo việc chi trả hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn; đã thực hiện chi trả 130,518 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho 250.500 lượt lao động (trong đó có 239.964 lượt lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, 10.536 lượt lao động quay trở lại thị trường lao động) của 3.091 lượt doanh nghiệp.

Triển khai Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế TP Hà Nội triển khai rộng rãi chính sách hỗ trợ đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế. Đến hết ngày 15/8/2022, đã có 14.448 đơn vị được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất với tổng số tiền được gia hạn nộp thuế: 3.546 tỷ đồng...

Từ nay đến cuối năm 2022, các sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 19/1/2022; Kế hoạch hành động số 91/KH-UBND ngày 21/3/2022; Triển khai thực hiện Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 27/6/2022 của UBND Thành phố triển khai Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, thành phố triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Hội đồng Nhân dân kỳ họp đầu tháng 9/2022; Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; Tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Tiếp tục triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hỗ trợ cho vay tín dụng các đối tượng ưu tiên...

Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ; Hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên (khu 1, khu 2, khu 3); Quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai (khu 1,2,3); Một số Quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn thành phố; Hoàn thiện Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040 trình HĐND thành phố...

Trí Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/mo-cua-nen-kinh-te-gan-voi-dau-tu-nang-cao-nang-luc-y-te-phong-chong-dich-benh-205375.html