Hà Nội: Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ngày càng phát huy hiệu quả

24/12/2021 19:26

Kinhte&Xahoi Năm 2021, công tác hòa giải ở cơ sở của Thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn Thành phố hiện có 4.937 tổ hòa giải, với tổng số 31.957 hòa giải viên, trong đó có 2.822/4.937 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 57%).

Hội thi hòa giải viên giỏi - một hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả tại cơ sở (Ảnh minh họa)

Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội vừa tổ chức giao ban công tác năm 2021.

Báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 cho biết, năm 2021, công tác hòa giải ở cơ sở của Thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn Thành phố hiện có 4.937 tổ hòa giải, với tổng số 31.957 hòa giải viên, trong đó có 2.822/4.937 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 57%).

Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải, các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Đồng thời, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên, bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu công tác.

Tính đến 31/10/2021, toàn Thành phố đã tiếp nhận tổng số 3.028 vụ việc hòa giải (bao gồm cả số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang), giảm 1524 vụ việc so với cùng kỳ năm 2020, đã tiến hành hòa giải thành 2.483/2.911 vụ việc, 160 vụ việc đang tiến hành hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,29%), tăng 2,59% so với cùng kỳ. Một số đơn vị đạt tỷ lệ hòa giải thành cao như: Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Thường Tín, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Hoàn Kiếm...

Bên cạnh đó, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã ngày càng phát huy hiệu quả, gắn công tác hòa giải ở cơ sở với phương châm dân vận khéo và các mô hình tự quản cộng đồng tại địa phương. Nhiều đơn vị tích cực duy trì mô hình này như các quận, huyện: Hoàn Kiếm 124/124 tổ (chiếm 100%), Thanh Xuân 154/154 tổ (chiếm 100%), Long Biên 215/220 tổ (chiếm 97,7%), Ba Đình: 136/151 Tổ (chiếm 90,07%), Mỹ Đức 140/157 Tổ (chiếm 89%)...

Tỷ lệ hòa giải thành cũng được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ hòa giải thành 5 năm đạt 84.63% (tăng trung bình 3,23% so với giai đoạn trước Chỉ thị 11-CT/TU (năm 2014-2016); số vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư giảm dần, số lượng vụ việc so với giai đoạn trước Chỉ thị 11-CT/TU ban hành giảm mạnh, giảm khoảng 3.592 vụ/năm...

Theo Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố, những kết quả này đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân.

Thành phố cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải, kỹ năng hòa giải trên Trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội đồng Phối hợp PBGDPL, đặc biệt là các tin, bài viết về gương người tốt việc tốt trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, câu chuyện hòa giải trong thực tế cuộc sống, góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên và vị thế của hòa giải viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong năm, Trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội đồng đã đăng 140 tin, bài; phát hành 13.000 cuốn sổ tay nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Toàn Thành phố đã tổ chức khoảng 120 hội nghị cho 24.418/31.957 hòa giải viên tham dự (đạt tỷ lệ 76,36%).

Bước sang năm 2022, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố đề nghị UBND Thành phố quan tâm bố trí và tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã quan tâm bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở theo quy định; đưa tiêu chí đánh giá công tác PBGDPL là một tiêu chí trong việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; kiện toàn tổ hòa giải theo thôn, tổ dân phố, đảm bảo ít nhất mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất 1 tổ hòa giải.

Đáng quan tâm, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố cũng kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP theo hướng nâng mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, nâng mức chi thù lao cho hòa giải viên để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ chi cho công tác hòa giải tùy theo điều kiện địa phương.

 Phương Thảo - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/ha-noi-mo-hinh-to-hoa-giai-5-tot-ngay-cang-phat-huy-hieu-qua-134398.html