Hà Nội mưa lớn giờ tan tầm, nhiều tuyến phố ùn tắc do ngập

05/07/2022 19:46

Kinhte&Xahoi Mưa lớn trút xuống Hà Nội và nhiều tỉnh, thành Bắc Bộ vào chiều tối kèm nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật. Một số tuyến phố ở Hà Nội được cảnh báo ngập úng đã “đỏ đèn” xe vì phương tiện nối dài.

Lúc 17h chiều 5/7, mưa lớn trút xuống Hà Nội và nhiều khu vực lân cận. Cơn mưa vào giờ tan tầm khiến người dân gặp khó khăn khi di chuyển. Chỉ trong khoảng 20 phút, lượng mưa đo được ở một số nơi dao động 40 - 50 mm. Mưa dông đang tập trung ở Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông…

Cơn mưa lớn giờ tan tầm ngày 5/7

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia hình ảnh mây vệ tinh và số liệu định vị sét, radar cho thấy mây đối lưu gây mưa hoạt động trên khu vực các huyện ngoại thành như Mê Linh, Đông Anh, Thạch Thất và một số quận vào lúc 16h.

Nhiều người bị mắc kẹt trên đường về nhà

Vùng mây dông này sau đó phát triển và mở rộng ảnh hưởng ra nhiều nơi của Hà Nội, gây ra mưa lớn. Trong 3 giờ tới, mưa lớn khả năng tiếp tục trút xuống nội thành và vùng lân cận với lượng phổ biến 40 - 60 mm, có nơi trên 90 mm.

"Đỏ đèn" xe do ùn tắc bởi mưa tại tuyến đường Nguyễn Trãi (Hà Đông)

"Đợt mưa này khả năng gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến 0,2 -0,3 m; một số tuyến phố có thể ngập sâu hơn 0,5 - 0,6 m", cơ quan khí tượng cảnh báo.

Hệ thống quan trắc của Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cũng ghi nhận một số điểm ngập sâu 0,1 - 0,2 m, tập trung ở khu vực Cầu Giấy và Thanh Xuân.

Chỉ 30 phút mưa lớn, tại một số tuyến đường khu vực Phúc La, Hà Đông đã ngập nước

Theo dự báo của cơ quan chức năng, mưa dông ở Bắc Bộ khả năng kéo dài đến khoảng ngày 8 - 9/7. Đây là những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2022. Vì vậy, ngoài việc đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, các bậc phụ huynh và học sinh cũng như lực lượng chức năng cần có phương án để di chuyển, đi đến điểm thi an toàn, đúng giờ.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội ứng trực ngay từ khi mưa bắt đầu nặng hạt
Một số tuyến phố tại Hà Nội khả năng ngập úng trong những giờ tới:

- Đống Đa: Nguyễn Khuyến, Thái Hà, hầm Kim Liên, Lê Duẩn, Chùa Bộc, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Thúc Kháng.

- Ba Đình: Cao Bá Quát, Đội Cấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát…

- Hai Bà Trưng: Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Vân Hồ, Nguyễn Công Trứ, Ngã 5 Bà Triệu, Lò Đúc...

- Thanh Xuân: Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc, Triều Khúc, Lương Thế Vinh, Nguyễn Huy Tưởng, Định Công, Ngõ 192 Lê Trọng Tấn…

- Hoàn Kiếm: ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa, ngã tư Tràng Tiền – Hàng Bài, Quang Trung, Nguyễn Hữu Huân, Thợ Nhuộm, Tôn Đản, Phùng Hưng, ngã tư Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến, phố Đinh Liệt, phố Nguyễn Siêu - ngõ Gạch...

- Tây Hồ: ngã ba Thụy Khuê – dốc La Pho, Trích Sài, Dương Quảng Hàm, Phú Xá

- Cầu Giấy: Hoa Bằng, Phạm Hùng, Phạm Văn Bạch, Tôn Thất Thuyết, Dương Đình Nghệ, Doãn Kế Thiện, Mai Dịch, Nam Trung Yên, Nguyễn Phong Sắc, Duy Tân, Trần Quốc Hoàn, Tô Hiệu, Nguyễn Khánh Toàn, Yên Hòa, Cầu Giấy, Xuân Thủy...

- Hoàng Mai: Giải Phóng, Tân Mai, Nguyễn Xiển, Nguyễn Chính, Trương Định, Linh Đàm, Lĩnh Nam...

- Bắc Từ Liêm: đường Phạm Văn Đồng, ga Nhổn.

- Nam Từ Liêm: ngã ba Lê Trọng Tấn - hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long, Trần Bình, Mỹ Đình, bến xe Mỹ Đình, Trung Văn, Châu Văn, Hàm Nghi.

- Hà Đông: Mỗ Lao, khu đô thị Văn Phú, Lê Trọng Tấn, ngã 3 Quang Trung - Phan Đình Giót, bến xe Yên Nghĩa.

- Long Biên: phố Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, Đàm Quang Trung, Cổ Linh, Cầu Chui, ngõ 80 Hoa Lâm. 

 Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-mua-lon-gio-tan-tam-nhieu-tuyen-pho-un-tac-do-ngap-200319.html