Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh khác.

Các dịch bệnh truyền nhiễm khác cơ bản đang được kiểm soát tốt, số mắc tương đương hoặc giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, dịch sốt xuất huyết Dengue ghi nhận 175 trường hợp mắc, giảm so với cùng kỳ 2021 (246 trường hợp) tại 29/30 quận, huyện (trừ thị xã Sơn Tây), với 19 ổ dịch tại 17 xã, phường thuộc 11 quận, huyện; Liên cầu lợn ghi nhận 1 ca mắc; Viêm não Nhật Bản: 1 ca; dại: 1 ca tử vong; hiện chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân ở trẻ em tại nước ta. Riêng với dịch bệnh tay chân miệng ghi nhận 968 trường hợp, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (186 ca).

Thành phố duy trì hệ thống giám sát tích cực bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố (bao gồm cả các bệnh viện bộ, ngành). Công tác điều tra dịch tễ, bao vây khoanh vùng, xử lý dịch được thực hiện nhanh chóng, triệt để, không để phát sinh ổ dịch, điểm dịch phức tạp.

Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND thành phố, Sở Y tế xây dựng và triển khai các kế hoạch tiêm chủng: Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân; Tiêm vắc xin cho trẻ từ 12- dưới 18 tuổi, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm phòng vắc xin mũi 4 trên toàn địa bàn Hà Nội.

Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP

Công tác an toàn thực phẩm (ATTP) cũng được thành phố tích cực triển khai, Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý: 35.636 cơ sở (tuyến thành phố quản lý: 3.991 cơ sở; tuyến quận, huyện, thị xã quản lý: 9.116 cơ sở; tuyến xã, phường, thị trấn quản lý: 22.529 cơ sở).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP đặc biệt tập trung vào phục vụ tết Dương lịch, tết Nguyên đán, Lễ hội đầu xuân, Tháng hành động vì ATTP. Số cơ sở được kiểm tra: 16.294 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt: 13.328 (tỷ lệ 81,8%). Tổng số cơ sở vi phạm: 2.966 cơ sở, phạt tiền hơn 500 cơ sở với số tiền trên 3 tỷ đồng.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã phối hợp với các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyên, thị xã chủ động giám sát với trên 130.000 suất ăn đảm bảo ATTP phục vụ các hội nghị, sự kiện của Trung ương và thành phố như Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV...

\
TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua mọi khó khăn, ngành Y tế Thủ đô nói chung, hệ thống y tế cơ sở nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, các TTYT quận, huyện, thị xã cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, đặc biệt là tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, nhắc lại mũi 3 cho trẻ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, mũi 4 cho người trên 18 tuổi.

Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội phối hợp với các TTYT quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng,...; giám sát chặt chẽ, ngăn chặn từ sớm, xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch, không để lan rộng, kéo dài; giám sát các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập như bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em, đậu mùa khỉ.

TS Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã để đôn đốc triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở.

Ngoài ra, triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng trạm y tế theo nguyên lý Y học gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân, cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử trên phần mềm của Bộ Y tế, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế; Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế để phục vụ công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.