Hà Nội ngày đầu giãn cách xã hội: Sức mua tăng nhẹ, hàng hóa dồi dào

24/07/2021 14:39

Kinhte&Xahoi Ghi nhận của phóng viên trong sáng 24-7, ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người dân, lượng người tới chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố đông hơn, hàng hóa rất dồi dào, giá các mặt hàng bình ổn.

Hàng rau xanh tại chợ Trung Hòa (quận Cầu Giấy).

Tại các chợ Gia Lâm, Tư Đình (quận Long Biên); Trung Hòa, Trung Kính (quận Cầu Giấy)…, ngay từ sáng sớm, lượng người tới mua hàng đông hơn các ngày trước. Tuy nhiên, do hôm nay là ngày cuối tuần, cũng là ngày Rằm tháng Sáu âm lịch nên nhiều người đi chợ sớm mua sắm đồ thắp hương. Ngoài ra, bên cạnh một bộ phận nhỏ có tâm lý dự trữ sẵn nhu yếu phẩm, đa số người dân đều mua sắm với tâm lý bình tĩnh, đủ dùng trong 1-2 ngày.

Tại các quầy thịt lợn, bò, cá, tôm…, khá nhiều người mua, có người mua cùng lúc vài cân thịt, cá. Chị Nguyễn Nguyệt Ánh, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ cho biết, người dân mua nhiều thịt hơn nhưng đều nói là "để đỡ phải đi chợ nhiều, tránh lây dịch bệnh".

Các quầy gia súc, gia cầm bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Chị Vũ Thị Nhung, một tiểu thương khác bán thịt lợn ở chợ Tư Đình cho biết, sáng nay, lượng khách mua đông hơn, đến 7h, chị đã bán gần hết hơn 200kg thịt lợn. Buổi chiều, chị lại mổ tiếp lợn, cung cấp ra thị trường với giá bán như ngày thường. “Bán hàng quanh năm, khách mua ủng hộ là tốt rồi nên tôi không tăng giá, kể cả đợt dịch năm ngoái ở Hà Nội, tôi cũng giữ giá bán phục vụ khách”, chị Nhung nói.

Chị Lê Thu Minh (ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) chia sẻ, thứ bảy hằng tuần, chị đều đi chợ nên thấy hôm nay đông hơn các cuối tuần trước. Giá thịt, cá không tăng, chỉ có một vài loại rau tăng chút ít. Chị Minh cũng mua nhiều thịt và rau hơn để chuyển một phần cho nhà ông bà nội của chị, nhằm tránh để ông bà ra chỗ đông người.

Tương tự, tại các quầy hàng rau xanh, có nhiều người mua hơn, trong đó mặt hàng được mọi người lựa chọn là bí xanh, bí đỏ, mướp, su su… do có thể để được lâu. Giá các loại hàng này cũng nhích hơn so với các ngày trước, như bí xanh giá từ 18.000-30.000 đồng/kg, bí đỏ 18.000-22.000 đồng/kg, khoai tây 15.000-22.000 đồng/kg, mướp hương 18.000-20.000 đồng/kg…

Không có cảnh người dân đổ xô tới các chợ để mua tích trữ lương thực, hàng hóa.

Tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên), các loại gia cầm, thủy sản bán chạy và giá không biến động. “Gà ta loại ngon giá vẫn từ 90.000-100.000 đồng/kg. Hàng hóa ngoài chợ vẫn đủ loại nên tôi chỉ mua các loại gia vị, đồ khô nhiều hơn ngày thường, chứ đồ tươi sống thì không tích trữ”, bà Nguyễn Thị Tuyết, nhà gần chợ cho biết.  

Tại chợ Hòe Nhai (phố Hòe Nhai, quận Ba Đình), bà Hoàng Thị Tuyết, một tiểu thương bán xôi và các mặt hàng hoa quả tại đầu chợ cho biết, do nắm được thông tin giãn cách xã hội nên lượng hàng hóa bà chuẩn bị ít hơn. “Đa phần người mua đều là khách quen. Từ tối qua họ đã gọi điện đặt trước nên tôi chủ động được lượng đỗ, gạo đồ xôi. Sáng nay, tôi lại đóng gói sẵn cho từng người, nên họ chỉ việc ghé qua lấy rồi về luôn, không mất thời gian”, bà Tuyết cho biết.

Còn theo chị Liên, chủ hàng thịt quay nổi tiếng ở giữa chợ, khách vắng hơn so với thời điểm trước giãn cách. Người đi chợ có ý thức bảo đảm khoảng cách hơn. 

Tại chợ Châu Long (quận Ba Đình), người mua tập trung từ 7-8h sáng và sau đó vãn nhanh chóng. Anh Trịnh Quân, tiểu thương bán thịt tươi sống cho biết, giá thịt lợn không tăng, cụ thể, thịt thăn 145.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 135.000 đồng/kg, xương sườn 145.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt bò, tôm tươi tăng nhẹ 5.000-10.000 đồng/kg.

Một tiểu thương khác là chị Hường cho biết, đến 7h30, chị đã bán gần hết quầy thịt, do là ngày cuối tuần và ngày Rằm nên nhiều gia đình có nhu cầu mua nhiều hơn ngày thường. “Tôi thường nói với khách, không việc gì phải tích trữ. Chợ vẫn họp, thịt không thiếu nên bà con cứ mua ngày nào ăn ngày đó hoặc nếu hạn chế đi chợ thì chỉ nên mua sẵn cho 2-3 ngày để thịt tươi, ngon”, chị Hường chia sẻ. 

Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long.

Trong khi đó, tại các siêu thị, lượng người tới mua vừa phải, hàng hóa đa dạng. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được lực lượng bảo vệ phía ngoài duy trì nghiêm ngặt.

Tại siêu thị VinMart Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), bãi xe tăng số lượng phương tiện, lượng người tới mua sắm đông hơn từ 20-30% so với ngày thường, nhưng không có hiện tượng người dân mua tích trữ. Các quầy rau, củ, thịt, mì tôm, đồ khô… đều đầy ắp hàng, giá không biến động. Nhiều mặt hàng còn giảm giá, như giấy ăn, gạo, xì dầu… Chị Vũ Thị Hoa, người mua hàng cho biết, do phải hạn chế ra ngoài theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố nên hôm nay chị cũng mua nhiều hàng hóa hơn ngày thường. 

Siêu thị Aeon Long Biên (quận Long Biên) sáng nay cũng có đông người mua sắm hơn. Như thường lệ, siêu thị chuẩn bị lượng hàng rất dồi dào phục vụ nhu cầu của người dân ngày cuối tuần. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty VinCommerce cho biết, công ty đã làm việc với các nhà cung cấp lớn để tăng lượng cung ứng gấp 3 lần đối với hàng thực phẩm thiết yếu; trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng được nhập về nhiều hơn và bảo đảm hàng trên quầy, kệ không bị trống.

Các kệ hàng tại siêu thị đầy ắp hàng hóa.

Tập đoàn Masan đã tăng công suất hoạt động sản xuất của các nhà máy lên mức tối đa nhằm đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, như: Mì tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt...

Tại quận Hà Đông, các hệ thống siêu thị như Big C Hà Đông, Vinmart, Co.op Mart..., hàng hóa được nhập hằng ngày, luôn đảm bảo đủ lượng hàng để cung cấp cho người dân trong khu vực đến mua sắm, không có cảnh chen chúc mua hàng dự trữ.

 Các mặt hàng phong phú phục vụ người dân trong các siêu thị tại quận Hà Đông.

Ngay từ đầu mùa dịch, đặc biệt trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, hệ thống VinMart/VinMart+ đã tăng cường chuẩn bị các kịch bản ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thiết lập không gian mua sắm an toàn và bảo đảm nguồn cung hàng hóa, giá cả ổn định. Đồng thời, xây dựng các phương án giao hàng tiện lợi, nhanh chóng cho khách hàng, như dịch vụ “Đi chợ hộ”, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada... hay đặt hàng online trên website https://vinmart.com. Khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.

Hà - Hiền - Hoa - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1006798/ha-noi-ngay-dau-gian-cach-xa-hoi-suc-mua-tang-nhe-hang-hoa-doi-dao