Hà Nội nhanh chóng phục hồi kinh tế, tăng tốc để đạt tốc độ tăng trưởng

02/10/2021 18:23

Kinhte&Xahoi Dù nguy cơ dịch bệnh Covid-19 luôn tiềm ẩn, song việc kiểm soát tốt dịch bệnh là tiền đề hết sức quan trọng để thành phố Hà Nội tái khởi động sản xuất kinh doanh, nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng tốc cao nhất có thể nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao trong quý IV-2021.

Hà Nội đang nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong quý IV-2021

Chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế để chống dịch

Hà Nội khép lại quý III-2021 với những tín hiệu tích cực việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Đợt dịch thứ tư, cũng là đợt dịch gây thiệt hại nặng nề nhất cho Hà Nội, dù đã cơ bản được kiểm soát song cũng đã để lại những tác động rất tiêu cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.

Lúc này nhìn lại càng khẳng định quyết định mạnh mẽ, dứt khoát của lãnh đạo thành phố khi tiến hành giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” từ ngày 24-7-2021 theo theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố là những quyết định dũng cảm, kịp thời, đúng và trúng trong lúc dịch bệnh đang “nước sôi lửa bỏng”. Cho dù biến thể Delta rất nguy hiểm, nhưng số ca mắc mắc Covid - 19 đã được khống chế kịp thời và giảm dần sau những đợt giãn cách tiếp theo, đặc biệt tỷ lệ tử vong ở mức rất thấp so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Tuy nhiên, để có được kết quả chống dịch Covid-19 với tinh thần “đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết”, thành phố đã phải hy sinh những lợi ích kinh tế không nhỏ cũng như xáo trộn đời sống thường nhật của người dân Thủ đô. Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố chỉ tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do GRDP quý III giảm khá sâu, tới 7,02% so với cùng kỳ năm trước nên dù GRDP hai quý đầu năm tăng 5,85% cũng kéo giảm mức tăng trưởng kinh tế của thành phố xuống mức khá thấp.

Quý III-2021, Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, phải tiến hành 4 đợt giãn cách xã hội. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là dịch vụ khi 9 tháng đầu năm 2021 chỉ ước tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,55 điểm % vào mức tăng GRDP, thấp hơn mức tăng 2,73% của cùng kỳ năm 2020 do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Một số ngành dịch vụ thậm chí có mức tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 26,91% so với cùng kỳ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 24,82%; kinh doanh bất động sản giảm 8,96%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 7,02%; bán buôn, bán lẻ giảm 1,56%; vận tải, kho bãi giảm 1,57%; dịch vụ khác giảm 19,58%.

Hoạt động thương mại cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 do thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố đã phải dừng tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài gần 2 tháng liên tục. Nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải tạm thời đóng cửa, tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác truy vết do có liên quan đến các trường hợp mắc Covid-19, việc mở cửa trở lại chậm cũng ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 380 nghìn tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước, dù quý I tăng 8,5% và quý II tăng 4,4% nhưng quý III giảm sâu tới 40,1%.

Cùng dịch vụ và thương mại, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ước tính quý III-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,1%... Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,7%; quý II tăng 9,6%; quý III giảm 4,4%), mức tăng thấp trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm đạt 11,1 tỷ USD, giảm 4,4% so cùng kỳ năm trước...

Bật tăng mạnh khi kiểm soát dịch bệnh

Trong bối cảnh đó, việc thành phố cơ bản kiểm soát dịch Covid-19 đang mang lại niềm tin, không khí phấn khởi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như người dân trong việc khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này có thể tạo ra hiệu ứng tương tự như việc “nén lò xo” những tháng giãn cách xã hội sẽ tạo ra sức bật tăng mạnh cho kinh tế - xã hội của thành phố trong quý IV, qua đó đóng góp vào tăng trưởng chung của cả năm 2021 có nhiều khó khăn, thử thách cam go.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố hiện đã dự trù cho phương án đời sống kinh tế, xã hội hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, người lãnh đạo cao nhất của thành phố khẳng định, điều cốt lõi nhất vẫn là phải an toàn phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất và kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn. Theo đó, Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế.

Để khởi động cho phát triển kinh tế khi mở cửa trở lại, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao cho Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tới đây tập trung gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn. Thành phố cũng chú trọng và thông thoáng thủ tục để thu hút đầu tư; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện các định hướng lớn trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm là thành phố tập trung chỉ đạo sản xuất bảo đảm các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021, phấn đấu quý IV tăng trưởng hơn 2,56%. Để đạt mục tiêu này, thành phố sẽ ban hành, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19.

Theo đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động logistics; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; bình ổn thị trường... Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa bảo đảm thông suốt và tuân thủ đúng quy định về kiểm soát dịch. Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, các tổ công tác của thành phố định kỳ họp giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân kế hoạch vốn và thực hiện các dự án. UBND thành phố yêu cầu, mỗi chủ đầu tư cần chủ động có giải pháp để tiếp tục tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai kế hoạch đầu tư công. Các chủ đầu tư tập trung thực hiện giải ngân để đạt được kết quả như đã cam kết với UBND thành phố (giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao) và tăng cường công tác chuẩn bị dự án để bảo đảm đủ điều kiện bố trí vốn khởi công mới trong năm 2022.

 Hoàng Hà - ANTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://anninhthudo.vn/ha-noi-nhanh-chong-phuc-hoi-kinh-te-tang-toc-de-dat-toc-do-tang-truong-post482165.antd?fbclid=IwAR3aedzUgteSFJjqOdjrvsE2MOMQvFTsyYGAkIUR_PEdL-VvMYJs2UJQNM4