Hà Nội nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

09/12/2022 13:41

Kinhte&Xahoi Hà Nội đã quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng chuyên đề đánh giá thực trạng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh các thủ tục đầu tư. Các sở, ngành, địa phương đã có cam kết giải ngân với thành phố.

Ảnh minh họa

UBND TP vừa có thông báo số 1058/TB-UBND kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại Hội nghị về giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài.

Các sở, ngành, địa phương đã có cam kết giải ngân

 Ngày 2/12, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã chủ trì hội nghị về giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài. Dự họp tại điểm cầu UBND thành phố có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Trọng Đông, Hà Minh Hải; Đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND thành phố); Lãnh đạo một số sở, ngành; các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: Giao thông, Hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, Dân dụng; Ban quản lý dự án đường sắt đô thị thành phố. Tại điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.

Sau khi nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến phát biểu của các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố; Ý kiến phát biểu của các Ban thuộc HĐND thành phố và ý kiến phát biểu của các đơn vị, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố kết luận như sau:

Đến ngày 28/11/2022, toàn thành phố giải ngân được 25.020/51.073 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch, trong đó cấp thành phố đạt 35,4% kế hoạch và cấp huyện đạt 58,9% kế hoạch. Có 13/42 đơn vị được giao kế hoạch có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân của thành phố; 10/42 đơn vị tỷ lệ giải ngân dưới 20% và 4 đơn vị được giao kế hoạch 2022 đến nay chưa giải ngân. Kết quả giải ngân kế hoạch năm 2021 kéo dài thực hiện trong năm 2022 cũng đạt thấp, mới đạt 41,3% kế hoạch vốn.

Các dự án trọng điểm của thành phố triển khai chậm cả về thủ tục đầu tư và giải ngân vốn. Ngoài 0% dự án chuyển tiếp, đến nay mới phê duyệt được chủ trương đầu tư của 9/24 dự án (trong đó 3 dự án đã có quyết định phê duyệt dự án). Kết quả giải ngân đạt 36,7% kế hoạch.

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án của thành phố và các quận, huyện chậm và chất lượng chưa cao: Còn 62 dự án đến hết năm 2022 là hết thời gian thực hiện nhưng chưa được gia hạn để tiếp tục bố trí vốn thực hiện năm 2023, trong 156 dự án được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư mới có 47 dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án.

Thời gian qua, thành phố đã quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng chuyên đề đánh giá thực trạng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh các thủ tục đầu tư. Các sở, ngành, địa phương đã có cam kết giải ngân với thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, kết quả giải ngân của thành phố chưa đạt mục tiêu đề ra và thấp hơn bình quân chung cả nước.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn bảo đảm tỷ lệ giải ngân đạt chỉ tiêu

 Chủ tịch UBND thành phố phê bình nghiêm khắc các đơn vị, địa phương đến nay chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân dưới 20% như Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bảo tàng Hà Nội, UBND các quận, huyện: Sóc Sơn, Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa..; Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung giải ngân kế hoạch vốn được giao ở mức cao nhất.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố về giải ngân vốn đầu tư công, xác định rõ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên tập trung chỉ đạo của các cấp, các ngành trong năm 2022, kiên quyết không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được, có khối lượng được nghiệm thu nhưng chậm thanh toán.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu đơn vị phải đề cao trách nhiệm, sát sao, cụ thể, nắm chắc tình hình, nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Các đơn vị thực hiện đúng cam kết với UBND thành phố về giải ngân vốn đầu tư công, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí để đánh giá tổng kết cuối năm của tập thể, cá nhân người đứng đầu đơn vị và là cơ sở để xem xét giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 của đơn vị.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị và chủ đầu tư để giải quyết kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác giải ngân tại các đơn vị, địa bàn được phân công phụ trách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm tỷ lệ giải ngân đạt và vượt chỉ tiêu đăng ký.

Về công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án chuyển tiếp phải bố trí kế hoạch vốn 2023. Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu văn bản của Chủ tịch UBND thành phố về chỉ đạo đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án.

Về việc thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng tồn đọng, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổng hợp toàn bộ các dự án đã cơ bản hoàn thành các năm trước đây, cần phải bố trí vốn để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng còn tồn đọng; Tham mưu UBND thành phố phương án xử lý tổng thể (từ bố trí kinh phí đến thanh quyết toán) theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng, tập trung các dự án trọng điểm vào thời điểm cuối năm; Bố trí đủ vốn đối ứng các dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-no-luc-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-212870.html