Hà Nội nỗ lực nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp

10/06/2022 18:47

Kinhte&Xahoi Ngày 10/6, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì phiên họp của Tổ công tác cải cách hành chính (CCHC) nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số Hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) giai đoạn 2021 - 2025 của TP Hà Nội.

Toàn cảnh cuộc họp

Theo báo cáo của Tổ công tác Cải cách hành chính (CCHC), năm 2021 tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do COVID-19 bùng phát nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP đối với công tác CCHC, nhiệm vụ CCHC của thành phố được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất.

Năm 2021, điểm Chỉ số CCHC của TP Hà Nội đạt 88.54 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có 5/8 trục nội dung tăng điểm so với năm 2020 gồm: Công tác chỉ đạo điều hành; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa hành chính; Đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, thứ tự chỉ số CCHC của thành phố bị giảm 2 bậc (từ xếp thứ 8 xuống xếp thứ 10), trong đó có 3 nội dung bị giảm: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS năm 2021 của TP Hà Nội đạt 87,11%, tăng 1,96% so với năm 2020 (năm 2020 là 85,15%); xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2020. Năm 2021 là năm đạt kết quả Chỉ số Hài lòng - SIPAS cao nhất trong 4 năm Bộ Nội vụ đánh giá và là năm thứ 4 liên tiếp, Chỉ số Hài lòng của TP Hà Nội đạt trên 80%, xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có Chỉ số Hài lòng bền vững (đạt trên 85%).

Trong thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, Hà Nội sẽ rà soát lại điểm, các chỉ tiêu dự kiến phấn đấu đạt được trong năm 2022, rà soát những nhiệm vụ từ nay đến cuối năm đơn vị cần phải hoàn thành; Tập trung đánh giá những nhiệm vụ có khả năng không hoàn thành, ảnh hưởng đến kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số SIPAS năm 2022 của thành phố.

Đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong đánh giá điều tra xã hội học chưa đạt điểm tối đa, bị giảm điểm so với năm 2020 thuộc các Sở, ngành chủ trì tham mưu, đề nghị các cơ quan, đơn vị phân tích và xây dựng kế hoạch khắc phục, cải thiện nâng cao chỉ số. Hà Nội cũng dự kiến tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp nâng cao 3 Chỉ số CCHC (Par index), SIPAS, PAPI đến các đối tượng lãnh đạo quản lý (đối tượng khảo sát xã hội học)...

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-no-luc-nang-cao-chi-so-hai-long-cua-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-198519.html