Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Viết Thành
Phấn đấu GRDP bình quân/người đạt 8.300-8.500USD vào năm 2025
Đáng lưu ý, UBND thành phố trình bày tóm tắt Tờ trình về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố.
Theo tờ trình, Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 là 7,5-8%. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65-65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5-23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. GRDP bình quân/người đạt 8.300-8.500USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3,1-3,2 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%.
Về văn hóa - xã hội, thành phố phấn đấu tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa đạt 75%; thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 65%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa từ 86-88%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%. Số giường bệnh/vạn dân đạt từ 30 đến 35; số bác sĩ/vạn dân là 15 bác sĩ; duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75-80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ 55-60%. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%. Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố.
Về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường, thành phố phấn đấu tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 40%, nông thôn mới kiểu mẫu 20%; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố. Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60-62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%. Diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5m2 sàn/người… Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ các chất thải và nước thải được xử lý đạt tiêu chẩn về môi trường: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý từ 50-55%. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng từ 30-35%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, thành phố đã đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, xác định tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, triển khai mạnh mẽ nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thành phố cũng tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Về giải pháp thực hiện chủ yếu, thành phố sẽ tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, đầy đủ trong cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận xã hội và thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch. Phát động và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, người lao động... Kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, thị trường xuất, nhập khẩu; tích cực tháo gỡ khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy tăng trưởng.
Tiếp đó, thư ký kỳ họp trình bày dự thảo Nghị quyết; Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố trình bày báo cáo thẩm tra và các đại biểu đã thảo luận tại hội trường và các điểm cầu về các nội dung trên.
Đánh giá tình trạng doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ
Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021, đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ Tây Hồ) cho rằng, thời gian qua, trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền thành phố được nhân dân ghi nhận, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đại biểu Lê Thị Thu Hằng, mặc dù việc thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố trong 2 tháng qua đã có tác động nhiều đến đời sống nhân dân, nhất là những người yếu thế, nhưng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân rất phấn khởi. Bên cạnh đó, công tác giám sát về thực hiện an sinh xã hội cũng được triển khai nghiêm túc, kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch; có nhiều sáng tạo, như công khai ngay trên bản tin, nhóm Zalo và xây dựng mô hình “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”… đã kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn và các đối tượng sinh viên, người ngoại tỉnh, người nước ngoài, tạo được niềm tin, sức mạnh của toàn dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ Quốc Oai) cũng bày tỏ đồng tình cao với các hoạt động cụ thể, sâu sát của các cấp, các ngành trong hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng do dịch. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất, thành phố bổ sung hỗ trợ thêm cho nhóm người sử dụng lao động. Lý do là thành phố Hà Nội có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn, nhiều doanh nghiệp mong muốn các chính sách của thành phố được tuyên truyền rộng rãi hơn, có thể qua hệ thống thuế và bảo hiểm. Đặc biệt, thành phố cần rà soát, đánh giá tình trạng doanh nghiệp, phân loại những doanh nghiệp nào thuộc nhóm cần hỗ trợ trước mắt và hỗ trợ căn cơ, lâu dài.
“Tôi cũng mong muốn, thành phố tăng cường thời gian đối thoại với doanh nghiệp, mời các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia cùng với thành phố trước khi ban hành chính sách, để sát với đối tượng và chính sách đi vào cuộc sống”, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Mê Linh) bày tỏ thống nhất cao với phương án của thành phố với 2 kịch bản phát triển trong những tháng cuối năm 2021. “Để khôi phục sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, thì thành phố nên khoanh vùng hạn chế, áp dụng tối đa công nghệ thông tin; đảm bảo sự lưu thông hàng hóa của người dân”, ông Phạm Đình Đoàn đề xuất.
Về nhóm giải pháp, theo đại biểu Phạm Đình Đoàn, thành phố cần có các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; trong xây dựng chính sách cần có các tinh hoa trong cộng đồng doanh nghiệp. Các nhóm giải pháp về thuế, phí và lãi suất ngân hàng, thành phố cần giãn và giảm là quan trọng. “Nếu để doanh nghiệp đóng góp, hiến kế thì không những thành phố vượt qua dịch bệnh mà còn đưa Thủ đô phát triển văn minh, giàu đẹp”, ông Phạm Đình Đoàn khẳng định.
Vũ Thủy - Hiến Chi - Hà Nội mới