Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới

20/01/2022 15:58

Kinhte&Xahoi Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 296/KH-SYT về triển khai công tác phòng, chống dịch ngành Y tế Hà Nội năm 2022.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 tiếp tục gia tăng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại, sởi… vẫn ghi nhận tại nhiều địa phương.

Tại Hà Nội, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt từ ngày 11/10/2021 đến nay gia tăng nhanh chóng. Các dịch bệnh lưu hành khác như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng đều có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Tiếp tục tổ chức tiêm chủng mũi bổ sung và mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế

Về công tác cách ly, giám sát, xử lý dịch, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát, bao gồm việc bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống, các quy trình, biểu mẫu thực hiện, phương tiện sử dụng phục vụ hoạt động giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng thần tốc, chính xác và xử lý kịp thời dịch bệnh, không để dịch lan rộng; Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới, trong khu vực và các tỉnh, thành trong nước.

Các đơn vị tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, bao gồm việc khai báo và sàng lọc tiền sử dịch tễ, kiểm tra thân nhiệt… nhằm phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp ngay từ đầu, hạn chế xâm nhập, phát tán nguồn lây nhiễm ra cộng đồng; Sẵn sàng triển khai các biện pháp kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố trong trường hợp cần thiết; Tổ chức đồng bộ hệ thống giám sát từ tuyến thành phố đến tuyến cơ sở, giám sát dịch chặt chẽ đảm bảo phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập vào thành phố; Thường xuyên giám sát dịch bệnh tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm để kịp thời khoanh vùng, xử lý.

Ảnh minh họa

Đồng thời, thành phố phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế tư nhân, y tế cơ quan, trường học, đặc biệt mạng lưới cộng tác viên y tế - dân số trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh để tổ chức xử lý triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch.

Các đơn vị phối hợp giám sát và chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh lây từ động vật sang người, dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm; Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác cách ly phòng chống dịch COVID-19 đối với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh và các trường hợp khác (người nhập cảnh, người tiếp xúc với người bệnh…) theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các đơn vị tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cho các cơ sở y tế tại các tuyến, đặc biệt là công tác xét nghiệm đối với những dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như dịch COVID-19; Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, thu thập, quản lý, thống kê số liệu dịch bệnh, tiêm chủng và các hoạt động phòng chống dịch đầy đủ, kịp thời.

Về công tác tiêm chủng vắc xin, thành phố đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin cho các đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch; Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng, đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin bổ sung theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; Thường xuyên kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn tiêm chủng của các điểm tiêm chủng; tăng cường tập huấn cấp giấy chứng nhận tập huấn an toàn tiêm chủng cho cán bộ tiêm chủng các tuyến; Thực hiện tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin theo đúng quy định tại các tuyến, các cơ sở tiêm chủng…; Tổ chức giám sát, điều tra, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng theo đúng quy định.

Đặc biệt, các đơn vị, địa phương tổ chức tiêm chủng mũi bổ sung và mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn nhất, sớm nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất theo đúng lịch cũng như tiến độ phân bổ vắc xin của Bộ Y tế; Triển khai quản lý, bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 bằng các biện pháp tiêm chủng vắc xin kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống tiêm chủng từ tuyến thành phố đến tuyến cơ sở, bao gồm việc đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia tiêm chủng, trang bị vật tư, trang thiết bị phục vụ hoạt động tiêm chủng cũng như việc huy động sự vào cuộc của các cơ sở y tế tuyến Trung ương, bộ ngành, hệ thống y tế tư nhân và cộng đồng tham gia tổ chức hoạt động tiêm chủng đảm bảo đầy đủ, an toàn; Tăng cường quản lý chuyên môn đối với các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, thống nhất lịch tiêm chủng vắc xin dịch vụ và miễn phí để phục vụ phòng chống dịch trên địa bàn thành phố trong trường hợp cần thiết.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và triển khai công tác tiêm chủng như quản lý đối tượng, lịch sử tiêm chủng, thống kê báo cáo… thường xuyên rà soát, nắm bắt đối tượng, tránh bỏ sót mũi tiêm.

Đối với công tác khám, chữa bệnh, thu dung điều trị bệnh nhân, tăng cường năng lực quản lý, thu dung, điều trị các tuyến, nâng cao năng lực quản lý, điều trị tại tuyến cơ sở để giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và năng lực cấp cứu, điều trị, hồi sức tuyến thành phố nhằm giảm tỷ lệ tử vong; Tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị, thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo, đảm bảo tiêu chí bệnh viện an toàn tại các cơ sở khám, chữa bệnh đặc biệt tại các cơ sở thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19…; Phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm; Tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh tại cộng đồng cũng như tăng cường hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu; Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Đồng thời, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức như qua báo đài, hệ thống đài truyền thanh, tờ rơi, tờ gấp và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng… nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cộng đồng, nâng cao tinh thần chủ động của người dân về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và khai báo y tế chính xác, kịp thời, hiệu quả góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân Thủ đô trong tình hình mới.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-trong-tinh-hinh-moi-188453.html