Đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Chiều 12/4, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 261 ca COVUD-19, tăng so với ngày trước đó và cao nhất trong hơn 3 tháng qua.
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.528.303 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong ngày, có thêm 46 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.615.180 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 9 ca.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 661 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong; tỷ lệ người bệnh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ chiếm tỷ lệ cao trên 90%. Từ 1/4 đến nay, số mắc COVID-19 tại Hà Nội có xu hướng tăng nhẹ.
Nhằm chủ động trong phòng, chống dịch, bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội tổ chức buổi họp bàn về các biện pháp tăng cường giám sát phát hiện và phòng chống dịch bệnh COVID-19 với thành phần tham dự gồm đại diện CDC Hà Nội, trưởng khoa, cán bộ chuyên trách dịch tễ khoa Kiểm soát bệnh tật&HIV/AIDS của 30 trung tâm y tế quận, huyện thị xã.
Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin COVID-19 tại Phòng khám đa Yên Hòa, TTYT Cầu Giấy
Tại buổi làm việc, khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội đã có báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 trong những ngày gần đây; Hướng dẫn giám sát phát hiện ca bệnh; một số định hướng công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.
Báo cáo chỉ rõ hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố ghi nhận xu hướng gia tăng số mắc mới và số nhập viện.
Mặt khác, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại còn thấp tại một số đơn vị, miễn dịch sau tiêm chủng suy giảm theo thời gian. Qua đó, các chuyên gia khẳng định hiệu quả của việc tiêm chủng nhắc lại trong phòng ngừa mắc bệnh và tử vong do COVID-19, nhất là đối với các biến chủng mới.
Đại diện các đơn vị đã cùng đặt ra các vấn đề cần thảo luận, thống nhất từ việc thực hiện văn bản chỉ đạo mới, văn bản còn hiệu lực trong phòng chống COVID-19 của trung ương và thành phố đến công tác triển khai, hướng dẫn, kinh nghiệm phòng chống dịch tại các đơn vị.
Trong đó, việc tăng cường giám sát biến chủng mới, giám sát, phát hiện kịp thời các bất thường trong diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay là vấn đề ưu tiên để công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đạt hiệu quả cao.
Các chuyên gia lý giải số ca mắc COVID-19 tăng những ngày qua
Trong thời gian vừa qua, số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có tăng nhưng bệnh nhân nặng không tăng. Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại bệnh viện chủ yếu có bệnh nền. Hiện bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, thuốc men và nguồn nhân lực để đáp ứng công tác điều trị khi số ca mắc COVID-19 nhiều lên.
Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn hiện đang điều trị cho 11 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 6 bệnh nhân phải thở ô xy và có 1 bệnh nhân nặng ở địa phương khác. Để tránh lây nhiễm chéo, bệnh viện đã thực hiện khám phân luồng bệnh nhân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Thanh Nhàn chiều 12/4
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) Khổng Minh Tuấn cho rằng: "Nhận định ca COVID-19 gia tăng không có nghĩa là dịch bùng phát. Do đây là thời điểm giao mùa nên các bệnh như cúm mùa, COVID-19 có thể tăng cao".
Lý giải thêm về điều này, ông Khổng Minh Tuấn cho biết, do hiệu quả của vắc xin đã giảm dần theo thời gian và ngay cả người đã tiêm đủ các mũi vẫn có thể nhiễm bệnh. Ông Khổng Minh Tuấn cũng khẳng định, số ca nhiễm COVID-19 vẫn thấp hơn nhiều so với cúm mùa.
Vì vậy, ông Khổng Minh Tuấn đề nghị các bệnh viện rà soát để có đề xuất mua vắc xin phòng COVID-19; tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca bệnh nhất là với người cao tuổi và người có bệnh lý nền; Khuyến cáo người dân tiêm đủ các mũi vắc xin; những ca bệnh nhẹ, triển khai cách ly tại nhà; nhập viện điều trị với các ca nặng…
Để chủ động phòng, chống COVID-19 hiệu quả, ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân nếu chưa tiêm đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19 cơ bản (gồm mũi 1, mũi 2) thì cần phải tiêm đủ. Còn với những người đã tiêm đủ mũi cơ bản nhưng chưa được tiêm mũi bổ sung (gồm: mũi 3, mũi 4) thì đến các trạm y tế xã, phường để triển khai tiêm.
“Hiện nay, công tác tiêm vắc xin COVID-19 không cần phải đăng ký tiêm, chỉ cần ra trạm y tế là được tiêm. Bên cạnh đó, nếu có triệu chứng mắc bệnh cần tự theo dõi, cách ly tại nhà. Chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao và có triệu chứng biểu hiện nặng thì mới cần đến cơ sở y tế điều trị. Đồng thời, người dân cần đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đeo khẩu trang và khử khuẩn khi đi vào những khu vực điều trị...”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.
Phương Thu - TTTĐ