Hà Nội: TP chỉ đạo xử phạt nghiêm người ra đường không vì mục đích thiết yếu

24/07/2021 21:45

Kinhte&Xahoi 18h ngày 24-7, sau 12h thực hiện giãn cách xã hội ở Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy Công tác phòng chống Covid-19 của TP với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để tranh thủ tối đa “thời gian vàng” nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội chỉ đạo tại phiên họp

Mở đầu phiên họp, Chủ tịch UBND TP quán triệt rõ quan điểm: “Đây là cuộc họp giữa Sở Chỉ huy TP với các sở ngành quận huyện; không đọc báo cáo mà đề nghị các ngành, địa phương vào thẳng các vấn đề nóng bỏng để TP chỉ đạo, tháo gỡ”.

Sau khi nghe các đơn vị y tế, công thương, CATP báo cáo nhanh về tình hình triển khai Chỉ thị 17 của Thành phố, Chủ tịch UBND TP ghi nhận nỗ lực của các ngành, địa phương trong ngày đầu thực hiện giãn cách, đã chủ động có phương án, trao đổi tháo gỡ ngay khó khăn.

Các đơn vị như CATP, GTVT, Công Thương… đã rất nỗ lực hoàn thành tốt các nội dung tại Chỉ thị 17. Các địa phương cũng vào cuộc quyêt liệt… kiểm soát tốt theo các tầng, chia nấc, phối hợp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc; các dịch vụ không thiết yếu đã đóng cửa.

Đánh giá tình hình chung, Chủ tịch UBND Thành phố nêu rõ, từ 6h sáng nay, việc thực hiện giãn cách xã hội đã được triển khai nghiêm túc.

Tuy nhiên, qua hệ thống camera giám sát các đường phố Thủ đô ở Sở chỉ huy trưa cùng ngày cho thấy, còn tình trạng người dân ra đường khá nhiều.

“Tôi đã trao đổi trực tiếp với 10 chủ tịch UBND các quận, huyện để yêu cầu triển khai lực lượng chức năng nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm giãn cách”, Chủ tịch cho biết.

Trong chiều 24-7, Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp thị sát nhiều tuyến phố tại nhiều quận, huyện của Thủ đô.

Đa số người dân đã chấp hành nhưng có nơi, có chỗ, việc thực hiện giãn cách chưa thực sự triệt để. Đến gần 18h, số lượng người dân ra đường vẫn còn khá lớn so với kỳ vọng thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát tình hình, làm sạch mầm bệnh trong cộng đồng.

Chỉ huy trưởng chống dịch TP yêu cầu các đơn vị tập trung vào 2 phần việc quan trọng.

Thứ nhất, các lực lượng phải tăng cường trên thực địa để nhắc nhở, kiểm tra, xử lý đối với người dân vi phạm Chỉ thị 17. Chủ tịch UBND TP chỉ đạo: “Thực tế kiểm tra chắc chắn sẽ còn có người ra đường không phải vì mục đích thiết yếu. Quy định xử phạt đã có, các cấp cần thực hiện nghiêm.

Các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến người dân tinh thần “đây không phải khuyến cáo mà là yêu cầu nhân dân ở nhà, không ra ngoài với các mục đích không được phép”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở các cơ quan hành chính cần tổ chức cơ cấu làm việc tối thiểu, yêu cầu làm việc trực tuyến là chính bởi “như thế mới hạn chế người ra đường. Đây là điểm khác biệt để tận dụng thời cơ vàng kiểm soát dịch bệnh – nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay”.

Thứ hai, Chủ tịch UBND TP cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất UBND TP lập Sở chỉ huy phòng chống Covid-19 TP với Chủ tịch UBND TP là Chỉ huy trưởng, 6 Phó Chủ tịch là Phó Chỉ huy trưởng, thành viên là thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.

Từ đó, Sở chỉ huy của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã… ngay lập tức cập nhật danh sách thành viên; thực hiện chế độ báo cáo 3 lần một ngày vào lúc 6h, 12h, 18h để Sở chỉ huy có các chỉ đạo, xử lý kịp thời trong phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND TP cho biết: “Thông tin từ 3 nguồn: phản ánh của người dân, hệ thống khai báo y tế, dữ liệu các ca bệnh sẽ được cập nhật thường xuyên giúp cho công tác sàng lọc nhanh thêm từng phút từng giây để nhanh chóng “khóa chặt” để triệt tiêu các mầm bệnh. Do đó, khai báo y tế là một trong những biện pháp cần được nhân dân nghiêm túc thực hiện phục vụ sàng lọc mầm bệnh chưa có yếu tố dịch tễ".

Các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17, đồng thời kết hợp xử phạt nghiêm minh, hạn chế tối đa tiếp xúc người và người để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.

Chủ tịch UBND Thành phố tin tưởng sâu sắc rằng trong 15 ngày giãn cách, toàn thể hệ thống chính trị và người dân Thủ đô cùng chung sức, đồng lòng, triển khai những việc rất cụ thể sẽ chiến thắng được dịch bệnh”.

Cưỡng chế nhiều trường hợp không chịu quay đầu xe ở chốt kiểm soát

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP cho biết, thực hiện việc giãn cách xã hội, từ sáng sớm CATP đã khẩn trương thành lập các tổ cơ động để tăng cường xử lý vi phạm; phạt 71 trường hợp không đeo khẩu trang, phạt 60 triệu đồng 4 cơ sở kinh không thiết yếu vẫn mở cửa.

Đáng chú ý, Phó Giám đốc CATP cho biết, tại các chốt kiểm soát dịch bệnh cửa ngõ Thủ đô, CATP cơ bản đã chặn toàn bộ xe vào Thủ đô và thông tin: “Người dân có bất ngờ nhưng đa số đã ủng hộ, kể cả phương tiện mang biển kiểm soát Hà Nội. Đã có một số trường hợp chống đối, không chịu quay đầu, và CATP đã huy động lực lượng CS 113 cưỡng chế bắt xe quay đầu”.

Bên cạnh đó, thời gian qua, CATP đã chỉ đạo công an phường xã thống kê chính xác được 8.299 người về Hà Nội, trong đó có 7.568 người ở 19 tỉnh đang phải giãn cách xã hội. Đây là số liệu quan trọng để giám sát chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan.

Phó Giám đốc CATP đề nghị UBND TP chỉ đạo tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân không đổ về Hà Nội…

Phú Khánh - ANTT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://anninhthudo.vn/ha-noi-tp-chi-dao-xu-phat-nghiem-nguoi-ra-duong-khong-vi-muc-dich-thiet-yeu-post474363.antd