Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, tăng dung lượng và thời lượng đăng bài tuyên truyền, chuyển tải thông điệp phòng, chống ma túy bằng các hình thức sinh động, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Các đơn vị đổi mới về phương thức, biện pháp và đa dạng hóa nội dung tuyên truyền, trong đó tập trung phổ biến Luật phòng, chống ma túy năm 2021; các quy định hiện hành về công tác phòng, chống ma túy; chủ trương, chính sách của thành phố đang triển khai; thực hiện công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai; Ngày Quốc tế và ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6; Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022…
Hà Nội triển khai tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022
Ngoài ra, tuyên truyền về tác hại của ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc, cỏ Mỹ…), cần sa, bóng cười; các phương thức, biện pháp để phòng ngừa số đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực, số đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” gây án.
Các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy, cổ vũ động viên gương người cai nghiện ma túy thành công, tập trung vào các mô hình hỗ trợ người nghiện có hiệu quả tại cộng đồng.
CDC Hà Nội thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn xã hội; tăng cường chỉ đạo cơ sở điều trị Methadone tiếp tục thực hiện điều trị Methadone điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
CDC phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp về quản lý số lượng bệnh nhân tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, kịp thời thông tin về bệnh nhân không tuân thủ điều trị, bỏ trị để có biện pháp xử lý theo quy định.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã chủ động tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về phòng, chống ma túy do UBND quận, huyện, thị xã tổ chức.
Ngoài ra, tích cực phối hợp với lực lượng công an và cơ sở cai nghiện ma túy trong thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia phong trào phòng, chống ma túy, đấu tranh, phát hiện tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn…
Các đơn vị khác trong ngành thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo công tác phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường tuyên truyền về Luật phòng, chống ma túy thông qua các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tập huấn, tọa đàm và hoạt động chuyên môn tại đơn vị.
Phương Thu - TTTĐ