Hà Nội ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội

16/09/2022 19:40

Kinhte&Xahoi TP Hà Nội ban hành chuẩn nghèo riêng cao 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia và một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 ngày 16/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Xây dựng hệ thống các chính sách xã hội toàn diện bao trùm, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội quan tâm. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội CHử Xuân Dũng cho biết, trong những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. 

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. TP đã tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc...

Hiện toàn TP Hà Nội có 5,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động luôn được TP quan tâm đẩy mạnh; triển khai có hiệu quả hệ thống 8 điểm và 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện; tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm, lựa chọn việc làm phù hợp, góp phần ổn định cuộc sống. TP đã trích ngân sách trên 5,6 tỷ đồng ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội để người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng với số người tham gia tăng nhanh qua các năm và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,5% dân số; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 40% và tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm đạt 37,5% tổng số người trong độ tuổi lao động.

Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, TP cũng ban hành chuẩn nghèo riêng cao 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia; ban hành một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của Hà Nội được ban hành. Tính đến cuối năm 2021, TP cơ bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 0,04%.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội có gần 800.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng, trong đó có khoảng 84.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí chi trả hơn 152 tỷ đồng/tháng. Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời theo quy định cho trên 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức chuẩn trợ cấp lên 440.000 đồng, mở rộng các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn. Các gia đình, cá nhân gặp rủi ro bất khả kháng được trợ giúp kịp thời.

Đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh Covid-19, TP đã tập trung các nguồn lực, triển khai các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được hỗ trợ kịp thời, đúng quy định. Tổng nguồn lực ngân sách dành cho việc thực hiện các chính sách đặc thù của TP Hà Nội trong năm 2021 là trên 10.640,4 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 6.527,9 tỷ đồng.

Công tác phát triển hệ thống an sinh xã hội được đẩy mạnh. Ngày 8/4/2022, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Hệ thống dịch vụ xã hội từng bước được cải thiện, hạ tầng giáo dục, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Đời sống văn hóa, tinh thần Nhân dân ngày càng được cải thiện; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư; phong trào văn hóa, thể thao được đẩy mạnh...

HĐND TP đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của các hộ gia đình. Hà Nội tập trung nguồn lực hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo; đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp, xây dựng khu nhà ở cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên… Nhờ đó, chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, xây mới. Đến nay TP đã có 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 382 xã (100% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

 Trần Oanh - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-uu-tien-nguon-luc-thuc-hien-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi.html