Cần siết chặt việc cấp giấy đi đường
Kiến nghị Thành phố cần tăng cường kiểm soát, siết chặt quản lý người ra đường không có lý do chính đáng, công dân có địa chỉ email [email protected] cho rằng Hà Nội cần có quy chế đối với các vùng “đỏ, cam, vàng, xanh”, dân từ các vùng xanh mà di chuyển đến các vùng đỏ, vùng cam thì khi về cũng phải cách ly tại nhà từ 7-14 ngày.
Cùng vấn đề này, công dân có số điện thoại 0916...265 kiến nghị để phòng chống các trường hợp bằng giấy đi đường khống, Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp đã được quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 tích hợp với mã vạch cá nhân, tích hợp được thì mới đúng là người của doanh nghiệp cần đi đường.
Cần siết chặt việc cấp giấy đi đường.
Công dân có địa chỉ email [email protected] cho rằng sau hơn 1 tháng giãn cách xã hội, Hà Nội vẫn có số ca mắc Covid-19 cao, vẫn phát sinh một số ổ dịch mới, điều này cho thấy việc thực hiện giãn cách xã hội ở một số nơi chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao, do vậy Thành phố cần siết chặt giãn cách, đặc biệt là kiểm soát thật chặt việc cấp giấy đi đường cũng như các trường hợp người dân ra đường.
Hơn nữa, vẫn còn tình trạng một số người dân tụ tập, tập thể dục, không đeo khẩu trang, sử dụng giấy đi đường giả, chống đối người thi hành công vụ... nên cần phải xử lý thật nghiêm. Đồng thời, chấn chỉnh quản lý tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch, tránh hình thức; siết chặt trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong công tác phòng, chống dịch...
Kịp thời hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Cũng theo phản ánh của công dân, sau hơn 1 tháng giãn cách xã hội, những người lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh phải thuê trọ tại Hà Nội hiện đang rất khó khăn, Thành phố cần kịp thời rà soát, hỗ trợ để họ yên tâm, đồng hành cùng với Thành phố trong công tác phòng, chống dịch.
Một Việt kiều có tên Tran Duc Viet hiện đang sinh sống tại Pháp góp ý với thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch, đó là tăng cường bảo vệ nhóm nguy cơ (người già, người có bệnh lý nền) bằng các biện pháp như cách ly và đẩy mạnh tiêm vắc xin cho nhóm này để thông qua đó giảm thiểu nguy cơ tử vong, bảo vệ thành quả phòng, chống dịch.
Kịp thời hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Góp ý về một vấn đề được nhiều người dân quan tâm trong giai đoạn hiện nay, công dân có địa chỉ email [email protected] phản ánh hiện nay nhiều gia đình có con đang mắc kẹt ở quê, không được trở về Thành phố, trong khi năm học mới sắp đến, ở quê không có điều kiện học online. Chính vì thế, Thành phố nên cho phép các gia đình này có 1 người xét nghiệm PCR âm tính được phép về quê đón con, đi và về trong ngày, có lộ trình rõ ràng, khi lên cũng tiếp tục test Covid-19.
Nhiều kiến nghị, phản ánh được Thành phố tiếp thu, giải quyết
Để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh Covid-19 không để lây lan rộng trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tới tận cơ sở. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chưa từng có tiền lệ nên trong quá trình triển khai còn đôi lúc có những ý kiến trái chiều. Xuất phát từ thực tiễn đó, lãnh đạo Thành phố luôn chú trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản ánh để điều chỉnh cho phù hợp và thời gian qua, những phản ánh từ công dân được tổng hợp qua Sở Thông tin và Truyền thông là một trong những kênh quan trọng để lãnh đạo Thành phố nắm bắt nhu cầu cũng như nguyện vọng của người dân, từ đó điều chỉnh quyết sách, giải pháp hợp lý hơn.
Điển hình như tiếp thu ý kiến về việc phải siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường, ngày 27/8 vừa qua, UBND Thành phố đã có Công văn số 2801/UBND-NC yêu cầu Công an Thành phố siết chặt kiểm soát tại 23 chốt vào Thành phố kể cả xe công vụ, xe cứu thương, xe "luồng xanh"; kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng giấy đi đường; kiểm soát hiệu quả việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tổ chức khi tham gia lưu thông...
Đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân tại các vùng cách ly.
Thành phố cũng đặc biệt quan tâm tới các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Nhằm kịp thời hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, HĐND Thành phố đã ban hành 2 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021 hỗ trợ 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch Covid-19 chưa được quy định tại nghị quyết số 68 của Chính phủ. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng triển khai Đề án và Fanpage “Đoàn kết chống dịch”, công khai số điện thoại của MTTQ của 30 quận, huyện, thị xã để hỗ trợ nhanh nhất cho những người đang khó khăn, thông qua đó đã có hàng nghìn người được hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh các ý kiến góp ý của công dân, Sở Thông tin và Truyền thông cũng tổng hợp hàng nghìn phản ánh liên quan đến những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch để gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã kịp thời kiểm tra, xử lý. Qua đó, nhiều việc đã được các cấp, các ngành xử lý ngay, tạo được dư luận tốt và niềm tin trong nhân dân.
Bảo Thoa - LĐTĐ