Hà Nội yêu cầu các trường không chèn giờ dạy liên kết vào chính khóa
Kinhte&Xahoi
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không chèn giờ dạy liên kết vào chính khóa nếu lớp đó không đủ 100% học sinh tự nguyện tham gia.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức sáng 5-10, ông Đào Tân Lý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.
Ảnh minh họa
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, chương trình chính khóa với lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Mỗi tiết học của học sinh tiểu học không quá 35 phút.
Các tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã quán triệt tới từng nhà trường yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cần đảm bảo tinh thần tự nguyện. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung đó. Nhà trường nên khuyến cáo để học sinh chọn từ 1-2 nội dung để bảo đảm vừa sức, không gây áp lực cho học sinh và gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Những ngày gần đây, trên báo chí phản ánh có hiện tượng nhà trường cố tình chèn giờ dạy thêm, dạy liên kết vào giờ học chính khóa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo tổ chức rà soát, chấn chỉnh nội dung này trong nhà trường.
Thống Nhất - Hà Nội mới