Hai đối tượng đánh chết nam thanh niên mặc áo Grap nghi trộm chó sẽ bị xử lý thế nào?
Kinhte&Xahoi
Phát hiện một nam thanh niên đi xe máy mặc áo Grap vào lấy con chó, Phạm Văn Hải đưa gậy gỗ cho Ngô Văn Cường rồi ra chốt cổng lối đi chung. Sau đó Cường dùng gậy đánh nạn nhân tử vong tại chỗ. Qua vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi, hành vi đánh chết nghi phạm trộm chó của 2 đối tượng sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Người đàn ông mặc áo Grap tử vong bên cạnh xác chó
Liên quan vụ phát hiện nam thanh niên mặc áo Grap tử vong bên xe máy cùng một con chó trên địa bàn phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, trưa 5/1/2022, trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án “Giết người” xảy ra trên địa bàn. Hai nghi phạm gây ra vụ án mạng là Phạm Văn Hải cùng Ngô Văn Cường (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã bị tạm giam.
Ngoài ra, lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm cũng thông tin, đến lúc này cơ quan công an đang thu thập chứng cứ và củng cố hồ sơ để sớm khởi tố các bị can nêu trên.
Người dân phát hiện nam thanh niên tử vong bên xe máy cùng xác một con chó
Trước đó vào sáng 30/12/2021, người dân tại khu vực đường Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội phát hiện một nam thanh niên mặc báo Grap tử vong bên cạnh chiếc xe máy và một con chó đã chết, liền trình báo cơ quan công an.
Tiếp nhận tin báo, Công an quận Nam Từ Liêm và các đội nghiệp vụ liên quan, Công an phường Mỹ Đình đã nhanh chóng tới hiện trường, triển khai các biện pháp điều tra.
Quá trình điều tra xác định, khoảng 1 giờ ngày 30/12, Phạm Văn Hải (SN 1976) trú tại phường Mỹ Đình 1 nghi có đối tượng mặc áo Grab, điều khiển xe máy có hành vi bắt trộm chó của nhà Ngô Văn Cường, trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm và gọi điện thoại báo cho Cường biết.
Khi Cường kiểm tra, phát hiện đã mất 1 con chó, còn lại 1 con bị chết nằm trên đường thuộc lối đi chung. Sau đó, cả 2 bàn bạc để phục đánh nếu đối tượng đến lấy con chó còn lại.
Khoảng 1h30 cùng ngày, cả hai đang phục ở nhà Cường thì có 1 đối tượng đi xe máy vào lối đi chung lấy con chó và đi ra. Hải liền đưa cho Cường một gậy gỗ dài khoảng 70cm, còn Hải cầm đèn pin ở bên ngoài lối đi chung kéo cổng không cho đối tượng chạy ra ngoài. Khi đối tượng ra đến cổng, Cường dùng chân đá, dùng gậy đập vào đầu làm khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Khi bị triệu tập lên cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hiện Công an quận Nam Từ Liêm đang phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh thân nhân nạn nhân, điều tra làm rõ vụ việc theo quy định pháp luật.
Không thể bất chấp pháp luật để tự xử lý trộm chó!
Để giải đáp những băn khoăn của bạn đọc về vụ việc nêu trên, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng cho biết, thời gian qua, tình trạng trộm chó, mèo đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta bất chấp pháp luật để tự mình tùy ý “xử lý” nghi phạm có hành vi trộm cắp tài sản.
Trong tình huống này, những người đánh nghi phạm trộm chó dẫn đến nạn nhân tử vong, có thể bị quy vào tội giết người. Căn cứ Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người nào giết người mà có tổ chức, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà
“Trong vụ án này, Cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân, mục đích dẫn tới án mạng. Có thể mục đích ban đầu là nhằm bắt và cảnh cáo những tên trộm chó. Khi đó người giết nghi phạm trộm chó có thể vô ý giết người vì quá tự tin.
Nếu như anh Cường và anh Hải đã bàn bạc và có mục đích giết kẻ trộm chó thì cả hai sẽ bị khép vào tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Khi đó, 2 người này sẽ phải chịu mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy vào mức độ hành vi của mỗi người.
Thêm vào đó, vụ việc có yếu tố đồng phạm do có sự tổ chức, bàn bạc, thống nhất, đây sẽ là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 52 BLHS 2015. Khi đó, anh Hải và anh Cường có thể chịu mức khung hình phạt cao nhất cho hành vi của mình gây ra”, luật sư Hoàng Tùng nói.
Cũng theo Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoà khuyến cáo, khi phát hiện đối tượng trộm cắp tài sản, chúng ta nên giữ khoảng cách, hô hoán để mọi người xunh quanh hỗ trợ khiến đối tượng trộm cắp tài sản sợ hãi bỏ đi. Nếu có thể bắt giữ được đối tượng thì sẽ tìm cách bắt giữ nhưng vấn đề an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh phải được đặt lên hàng đầu.
Trong trường hợp kẻ phạm tội có hành động phản kháng nguy hiểm thì chúng ta cần thực hiện phòng vệ chính đáng nhưng cần phải thực hiện đúng “phòng vệ chính đáng”, nếu không sẽ gây ra gây thương tích nặng nề cho tội phạm hoặc gây chết người.
Luật sư Hoàng Tùng viện dẫn Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
“Tuy nhiên, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Pháp luật quy định rất rõ các trường hợp được phòng vệ, tự vệ, bắt người phạm tội quả tang. Nếu không có khả năng bắt giữ tội phạm, chúng ta nên ghi nhớ hình dáng đối tượng để thông báo cho cơ quan chức năng”, luật sư Hoàng Tùng chia sẻ.
Thành Long - TTTĐ