Để tìm hiểu nội dung phản ánh, phóng viên đã có mặt tại bến đò Dinh. Chứng kiến cảnh hỗn loạn lên xuống của khách đi đò mà không có bất kỳ quy định, biển chỉ dẫn cũng như nhân viên hướng dẫn nào của “nhà đò” thì bất kể ai cũng cảm thấy “rùng mình” với sự nguy hiểm của những “chuyến đò quê” này. Đấy là chưa kể đến việc những “con đò” này phải “oằn mình” thêm vì chở những chiếc xe ô tô thậm chí là xe tải chở hàng hạng nặng dập dềnh trên sông, thỉnh thoảng lại như “ngã dúi” xuống bởi những làn sóng lớn mà tất cả những người trên “đò”, không một ai được trang bị phương tiện bảo hộ.
Bất chấp nguy hiểm, vì lợi nhuận, “nhà đò” sẵn sàng chở những chiếc xe tải hạng nặng như này qua sông.
Nguy hiểm là thế, nhưng phí qua đò thì lại không hề rẻ một chút nào. Người đi bộ: 2.000đ/lượt, xe máy: 5.000đ/lượt, ô tô con: 40.000đ/lượt, ô tô tải: 50.000đ/lượt… Tất cả đều thu tiền trực tiếp, không có vé.
Một khách đi đò cho biết: "Tôi hàng ngày đi qua bến đò này, đi xe máy 1 mình thì 5.000đ, chở thêm người thì cứ 2.000đ/người, chủ đò thu tiền trực tiếp, không có vé, không có bảng giá nên cũng không biết họ thu như thế có đúng hay không".
Bảng giá được che kín cẩn thận ở một nơi “không ai nhìn thấy”.
Để tìm hiểu thông tin, PV đã làm việc với lãnh đạo xã An Sơn và được biết: Bến đò Dinh được hình thành từ lâu và được Sở GTVT cấp phép cho UBND xã, nhưng xã không trực tiếp vận hành mà giao khoán cho tư nhân. Những “khóa” trước thì giao theo hình thức bốc thăm, còn “khóa “ này ưu tiên cho những hộ gia đình “hiến đất” cho xã làm sân vận động theo tiêu chí Nông thôn mới.
Theo đó, ngày 15/4/2017 UBND xã An Sơn ký hợp đồng (HĐ) giao khoán chở đò và thu lệ phí đò ngang bến đò Dinh cho 3 người là công dân thôn 3 gồm: Ông Nguyễn Hữu Hà, ông Nguyễn Văn Chiến, ông Phạm Văn Nghiệp (gọi tắt là “nhà đò”).
Bằng việc ký HĐ, UBND xã An Sơn giao toàn bộ phần mặt bằng và diện tích bến theo giấy phép mở bến cho “nhà đò” khai thác và thu phí từ 16/4/2017 đến 16/4/2020. Một điều khoản trong hợp đồng là giá vé thu lệ phí đò như sau: Người đi bộ: 500đ/lượt, người đi xe đạp: 1.000đ/ lượt, người đi xe đạp thồ: 1.500đ/lượt, người + quang gánh có hàng: 1.000đ/ lượt, người đi xe máy: 2.500đ/lượt, người đi xe máy lai thồ: 3.000đ/ lượt. Yêu cầu phải thu đúng giá vé và hàng tháng “nhà đò” phải nộp về cho ngân sách xã số tiền là 18 triệu đồng.
Giấy phép hoạt động bến bãi ngang sông do Sở GTVT cấp cho UBND xã An Sơn.
HĐ cũng nêu rõ, “nhà đò” phải tự sắm phương tiện, dụng cụ cứu sinh, đảm bảo an toàn giao thông thủy nội địa, không được chở các loại xe cơ giới như ô tô các loại. Nếu vi phạm một trong các điều thì sẽ bị xử lý và thanh lý hợp đồng trước thời hạn.
Ngoài ra, ngày 16/3/2018 Sở Giao thông vận tải ký Giấy phép Hoạt động bến khách ngang sông cho UBND xã An Sơn tại bên bờ trái sông Hàn với mục đích là đón trả khách, khả năng vận chuyển loại phương tiện đường bộ lớn nhất là xe máy, thời gian hoạt động từ 5h đến 19h, thời hạn hoạt động từ 11/3/2018 đến 11/3/2019.
Bất chấp quy định và hợp đồng, bến đò này vẫn ngang nhiên hoạt động “thâu đêm, suốt sáng”. Tiếng còi xe, tiếng người qua lại, tiếng động cơ máy móc, bến phà ing ỏi suốt đêm khiến cho những nhà dân trong khu vực mất ăn mất ngủ.
Ông Nguyễn văn Đăng, Chủ tịch xã An Sơn cho biết: Xã không biết việc “nhà đò” chở cả xe ô tô và thu phí cao hơn so với quy định. Nhận được phản ánh, chúng tôi sẽ xuống kiểm tra và xử lý ngay, yêu cầu thu đúng với quy định.
Thu phí cao hơn so với quy định, chở phương tiện và hoạt động ngoài giờ cho phép nhưng suốt một thời gian dài chính quyền địa phương không hay biết khiến cho dư luận nghi ngờ liệu có phải là cố tình làm ngơ, “chống lưng”, hay “lợi ích nhóm” ở đây?.
Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc sớm, ngăn chặn tình trạng hoạt động “vô thiên vô phép” của bến đò Dinh để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn tính mạng của hàng nghìn hành khách qua đò.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Theo KD&PL