Hàng loạt phụ nữ Việt sập bẫy lừa đảo của trai ngoại quốc
Kinhte&Xahoi
Thủ đoạn của các đối tượng là giả vờ gửi quà hoặc gửi hàng có giá trị rất lớn, nhờ những phụ nữ Việt Nam nhận hàng giúp.
Bị cáo Vincent tại phiên tòa. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Nam cho rằng mức án 11 năm tù tuyên phạt bị cáo Onyema Chekwube Vincent (1987, quốc tịch Nigieria, trú tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' là chưa tương xứng với hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng, tháng 6-2020, Vincent quen biết với ông Ben (quốc tịch Nigieria) tại 1 quán bar tại TP Hồ Chí Minh và biết được hoạt động phạm pháp tại Việt Nam của Ben cùng nhóm bạn người Việt. Thông qua việc sử dụng các ứng dụng trên mạng xã hội như: Facebook, Tinder, Whatsapp..., Ben cùng đồng bọn lập ra các tài khoản mạng xã hội để giả danh bác sĩ, sĩ quan nước ngoài để lừa đảo.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả vờ gửi quà hoặc gửi hàng có giá trị rất lớn, nhờ những phụ nữ Việt Nam nhận hàng giúp. Sau khi họ đồng ý sẽ có một người phụ nữ đóng vai nhân viên hải quan, nhân viên sân bay gọi điện thoại đến yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để đóng tiền thuế, phí để nhận quà, nhận hàng.
Sau khi họ chuyển tiền vào tài khoản, Ben sẽ yêu cầu những người quản lý tài khoản rút tiền đưa trực tiếp cho Vincent hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng để Vincent rút tiền giao lại cho Ben. Vincent cùng đồng bọn chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng của bà T.T.Đ. (1980, trú xã Tam Quang, H. Núi Thành, Quảng Nam) và bà Đ.T.D. (1969, trú tỉnh Vĩnh Phúc).
Cụ thể, tháng 9-2018, Vincent lập tài khoản Facebook tên “Jewel Kelvin” kết bạn với tài khoản của bà Đ. Qua trò chuyện, Vincent giới thiệu mình là sĩ quan quân đội Mỹ, đang công tác tại Afghanistan. Sau một thời gian dài trò chuyện, Vincent nhắn tin nhờ bà Đ. nhận giúp một phần quà, bên trong có nhiều tiền và một số vật phẩm có giá trị lớn.
Sau đó Vincent sẽ sang Việt Nam hoặc nhờ một người bạn đến nhận gói hàng này thì bà Đ. đồng ý. Vài ngày sau, có một người phụ nữ gọi điện cho bà Đ. và tự xưng là nhân viên Sân bay Tân Sơn Nhất. Người này nói là khi kiểm tra hàng hóa tại sân bay phát hiện số lượng lớn tiền đô-la gửi cho bà Đ. và yêu cầu bà Đ. đóng lệ phí để nhận hàng. Tin lời người phụ nữ, bà Đ. đã nhiều lần chuyển số tiền 500 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng đưa.
Cũng trong thời gian trên, Vincent tạo tài khoản Facebook “General Reuben” kết bạn, làm quen tài khoản “Đ. D.” của bà D. Qua nhắn tin trò chuyện, Vincent “nổ” mình là một vị Tướng trong quân đội Mỹ, đang tham chiến tại chiến trường Syria.
Tại đây, Vincent có nhặt được 1 thùng tiền bên trong có 4.500.000 USD (tương đương khoảng 90 tỷ đồng) nhưng không thể mang trực tiếp về Mỹ. Vì thế, Vincent muốn nhờ bà D. nhận hộ số tiền này thông qua hình thức gửi gói quà qua đường sân bay, sau đó Vincent sẽ đến Việt Nam nhận lại số tiền trên để đầu tư xây dựng bệnh viện tại Việt Nam.
Đồng thời, Vincent hứa sẽ trả công cho bà D. 2 tỷ đồng thì bà D. đồng ý cung cấp thông tin để nhận hàng. Sau đó, có một người phụ nữ tự xưng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện cho bà D. để thông báo về việc có một gói hàng gửi từ nước ngoài về và bên trong có chứa nhiều tiền đô-la nên đề nghị bà D. chuyển tiền để thanh toán phí giao hàng, phí hải quan... để nhận hàng. Tin lời các đối tượng, bà D. đã nhiều lần chuyển số tiền hơn 7,6 tỷ đồng vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, qua xem xét hồ sơ vụ án, HĐXX TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Nam, tuyên tăng hình phạt đối với bị cáo Onyema Chekwube Vincent từ 11 năm tù lên 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Diệu Nhi -Pháp luật Plus