Hành động cụ thể để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện

22/11/2021 11:04

Kinhte&Xahoi Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cần cụ thể hóa thành các hành động để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh, sinh viên, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ảnh minh họa.

Ngày 21/11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo Giáo dục năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” - một trong những vấn đề mà nhiều học sinh, phụ huynh học sinh, nhiều gia đình, đại biểu Quốc hội và Nhân dân, dư luận xã hội rất quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và văn hóa học đường chính là vấn đề nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, có những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội thảo.

Ghi nhận thời gian qua ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm xây dựng văn hóa học đường, nhưng ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ lo ngại trước tình trạng còn thiếu trung thực trong dạy và học, trong kiểm tra đánh giá, hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của một số ít học sinh và giáo viên, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong một số cơ sở giáo dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, gây tổn hại tới môi trường trong học đường.

Vì vậy, theo ông, cần lan tỏa, thảo luận rộng rãi chủ đề của Hội thảo trong các nhà trường, cần cụ thể hóa thành các hành động để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh, sinh viên, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận sâu về thực trạng văn hóa học đường hiện nay; phân tích thấu đáo các vấn đề đặt ra, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, căn cứ khoa học và kinh nghiệm của thầy cô giáo, các chuyên gia, Hội thảo kiến nghị những giải pháp thiết thực, những chính sách liên quan nhằm tạo sự chuyển biến cả trong nhận thức và hành động hướng đến một môi trường văn hóa học đường tích cực.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, xây dựng văn hóa học đường đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm của các cơ sở giáo dục; đòi hỏi sự chỉ đạo mạnh mẽ của toàn ngành Giáo dục. Hơn bao giờ hết, chúng ta đang rất cần những nhà giáo chân chính, những con người có bản lĩnh, tầm nhìn và tâm huyết với nghề trong cuộc chiến chống nạn “xâm lăng văn hóa”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, trường học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là nơi giáo dục, phát triển con người trong suốt quá trình trưởng thành từ bậc mầm non đến hết bậc đại học. Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phải tính đến vai trò vô cùng quan trọng của nhà trường.

Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trường học phải được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm: “Giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên không chỉ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng thực hành mà còn cần có lý tưởng cách mạng, đạo đức tốt, lối sống trong sáng để trở thành công dân có trách nhiệm, lao động cần cù, có sức khỏe, có tri thức và sáng tạo”.

 Anh Thư - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.