Tình trạng tâm lý bất ổn, suy sụp và tiêu cực gia tăng
Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa hết ám ảnh vụ việc mới đây khi một nam sinh lớp 10 tự tử tại chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) hay chuyện nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh tự tử và để lại thư cùng nhật ký. Ngoài 2 câu chuyện trên, còn rất nhiều những câu chuyện đau lòng khác vẫn đã, đang và có thể sẽ còn xảy ra…
Tình trạng mất kiểm soát bản thân, tự tử tăng cao xảy ra nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên (Ảnh minh họa)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và trẻ vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Đồng thời, tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong cho lứa tuổi 15-19 tuổi. Thực tế cho thấy rằng, trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành động tự tử của các em. Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, cao gấp 2,5 lần với số người tử vong do tai nạn giao thông.
Ở Việt Nam, vài năm gần đây, trầm cảm có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Theo số liệu của một nghiên cứu tại Việt Nam gần đây chỉ ra rằng: 26,3% trẻ vị thành niên bị trầm cảm; 6,3% trẻ có suy nghĩ về cái chết; 4,6% trẻ lập kế hoạch tự tử và 5,8% trẻ cố gắng tự tử.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của đài KING5, chuyên gia người Mỹ về phòng chống tự tử - Lauren Davis cho biết: "Độ tuổi tự tự cao rơi vào thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-14. Đây là thời kỳ mà tâm lý các em dễ bất ổn, suy sụp và tiêu cực... Áp lực tâm lý ngày càng tăng dần, từ đó dẫn đến trầm cảm. Căng thẳng kéo dài, chỉ ần một chuyện nhỏ cũng có thể gây ra tác động lớn khiến các em tự tử".
Người trẻ mong muốn điều gì?
Các câu chuyện đau lòng theo thời gian cũng dần qua đi nhưng nỗi đau với những người ở lại là quá lớn. Những bài học, câu hỏi về mong muốn thực sự của các bạn trẻ là gì vẫn đang hiện hữu.
"Hội những người muốn tự tử" thu hút hơn 15.000 tài khoản mạng xã hội Facebook tham gia, trong đó có nhiều thành viên trong độ tuổi thanh thiếu niên
Trả lời câu hỏi này, em Trần Đăng Khoa, học sinh lớp 12, trường THPT Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Hầu hết các vụ việc đau lòng xảy ra với các bạn trong độ tuổi của chúng em. Độ tuổi này luôn có sự bỡ ngỡ, khó đón nhận những điều khó khăn; Suy nghĩ trở nên nhạy cảm hơn và dễ có hành động tiêu cực...
Bản thân em khi mới dậy thì cũng luôn mong muốn nhận được sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là bố mẹ; Mong bố mẹ quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của mình và cũng hy vọng họ lắng nghe, tôn trọng ý kiến em đưa ra. May mắn là bố mẹ đã luôn đồng hành với em trong khoảng thời gian em khủng hoảng và có nhiều thay đổi trong tâm sinh lý. Điều đó khiến em thấy được yêu thương và cảm ơn bố mẹ rất nhiều!".
Còn đối với bạn Vũ Công Đức, sinh viên năm thứ 4, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội lại bày tỏ mong muốn nhà trường cần chú trọng hơn đến cảm xúc của học sinh, sinh viên. "Mình thấy ngoài gia đình, trường học là ngôi nhà thứ hai, cũng là nơi nuôi dưỡng cảm xúc cho học sinh, sinh viên. Ở trường thì bố mẹ chính là thầy cô, anh em chính là bạn học. Vì vậy trong trường học, các thầy cô cần chú trọng đến tâm lý, cảm xúc của học sinh, sinh viên.
Nhà trường có thể áp dụng các hình thức giáo dục tích cực, lồng ghép nhiều hơn các giờ học về giáo dục cảm xúc xã hội, kỹ năng sống hay tăng cường các giờ học thực tế ngoài trời giúp học sinh, sinh viên có nhiều trải nghiệm thoải mái và giải tỏa căng thẳng, áp lực học hành. Mình cũng có thêm một mong muốn nữa, cũng đã có nhiều nơi thực hiện điều này rồi nhưng vẫn chưa phát huy được tính hiệu quả, đó là việc xây dựng phòng tư vấn tâm lý. Nhà trường nên triển khai hình thức này và luôn sẵn sàng hỗ trợ khi học sinh, sinh viên cần", bạn Đức nói.
Là học sinh mới bước vào cánh cổng trường THPT, em Trường Giang, lớp 10, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn có áp lực riêng về chuyện học tập. Trước đó, trong kỳ thi vào lớp 10, do sức học không quá nổi bật, Giang cảm thấy vô cùng căng thẳng khi phải đối mặt với kỳ thi quan trọng.
Giờ đây, được hỏi về điều mà em mong muốn đối với gia đình, nhà trường hay xã hội là gì, Giang bộc bạch: "Em đã từng cảm thấy rất áp lực và hiểu được tâm trạng của các bạn. Không chỉ em mà rất nhiều học sinh khác đều mong muốn người lớn không còn quá áp đặt gánh nặng về điểm số, thành tích. Bố mẹ hãy nói những lời yêu thương, thay vì trách móc, hãy động viên chúng em cố gắng, thay vì nói “không xứng đáng".
Có thể nói, những mong muốn được nói ra trên đây cũng chính là suy nghĩ của rất nhiều bạn trẻ. Đó là những mong muốn vô cùng đơn giản: Được tôn trọng sự riêng tư, bố mẹ dành nhiều thời gian hơn cho mình, có những bữa cơm sum họp... Tất cả những điều người trẻ muốn nói đó đôi khi vì cuộc sống bận rộn mà cha mẹ, nhà trường hay lớn hơn là xã hội chưa thực sự lưu tâm…
Người trẻ hãy tự trang bị lối sống tích cực, bản lĩnh
Những bình luận chia sẻ của người trẻ sau vụ việc nam sinh tự tử
Các chuyên gia cho rằng sẽ không muộn màng nếu những người thân có đủ kỹ năng phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm thường thấy ở một người có ý định tự tử như: Thay đổi tâm trạng, cảm thấy tuyệt vọng, bế tắc; Thu mình, tự cô lập, không quan tâm đến các hoạt động vui chơi; Có những hành vi liều lĩnh, đột ngột; Suy nghĩ và nói về cái chết, nói lời chia tay với gia đình, bạn bè… để kịp thời ngăn chặn, giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định tinh thần để tiếp tục sống.
Về lâu dài, các bậc phụ huynh cần tạo sự gần gũi, gắn bó với con em để người trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học hành, trong các mối quan hệ xã hội, đồng thời, giúp tháo gỡ bế tắc, tránh suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, gia đình không nên gây áp lực về thành tích học tập, phân bổ thời gian học tập và vui chơi giải trí một cách hợp lý, dạy thêm các kỹ năng sống để các em có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống; Kịp thời phát hiện, điều trị nếu các em có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm.
Điều quan trọng hơn cả là bản thân người trẻ cần phải tự trang bị cho mình kỹ năng sống, lối sống tích cực, bản lĩnh đương đầu với thử thách và xác định những mục đích, lý tưởng sống hướng tới. Từ đó, nếu không may gặp khó khăn, trở ngại, các bạn trẻ sẽ tìm cách ứng phó, không có những suy nghĩ bi lụy và hành vi tiêu cực.
Đình Trung - TTTĐ