VNDirect nợ bảo hiểm xã hội 887 lao động
Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội công khai danh sách gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến thời điểm 30/1/2023.
Theo danh sách được công bố, có rất nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động tại nhiều lĩnh vực trên địa bàn thành phố nợ bảo hiểm của người lao động từ hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng.
Có thể kể đến trường hợp của CTCP Chứng Khoán VNDirect (Mã HoSE: VND, sau đây gọi tắt là VNDirect) nợ đóng bảo hiểm xã hội của 887 lao động, số tiền lên tới 2,4 tỷ đồng.
Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định: Người có hành vi vi phạm, khung 1, phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên một trong những trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, mà còn vi phạm trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
- Trốn đóng BHXH cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Khung 2, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Phạm tội 2 lần trở lên
- Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Trốn đóng bảo cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động.
Khung 3, phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên
- Người phạm tội trốn đóng BHXH cho 200 người lao động trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
VNDirect đang kinh doanh ra sao?
CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) hồi cuối tháng 1/2023 đã công bố báo cáo tài chính riêng quý 4/2022.
Trong quý cuối năm 2022, doanh thu hoạt động của VNDirect đạt gần 1.962 tỷ đồng, tăng hơn 1,2% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.261 tỷ đồng, tăng 53,14% so với quý 4 năm trước.
Ngoài trừ mảng kinh doanh chính ghi nhận tăng trưởng, hầu hết các mảng hoạt động còn lại của VNDirect đều giảm sút.
Theo đó, lãi từ cho vay và phải thu giảm 23,2% so với cùng kỳ về còn 335,36 tỷ đồng, doanh thu môi giới chứng khoán giảm tới 62% xuống còn 206,55 tỷ đồng, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 21,8% còn 64,85 tỷ đồng.
Riêng doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán tăng gấp 10 lần lên 53,3 tỷ đồng, thu nhập khác cũng tăng mạnh lên 2,69 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Tạp chí Thương trường)
Trong khi đó, chi phí hoạt động trong kỳ lại tăng gần gấp đôi so với quý 4/2021 lên 1.450,9 tỷ đồng, chủ yếu tới từ việc lỗ từ các tài sản chính FVTPL tăng gần 3,5 lần lên 1.138,7 tỷ đồng.
Kết quả, VNDirect lãi trước thuế vỏn vẹn 8,5 tỷ đồng, khấu trừ các chi phí, công ty ghi nhận lỗ ròng gần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 724,6 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động mức 6.995,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.365,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,1% và giảm 37,3% so với thực hiện của năm 2021.
Xét về dòng tiền kinh doanh, lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính của VNDirect trong năm 2022 giảm mạnh chỉ còn hơn 2.981 tỷ đồng, so với mức hơn 15.127 tỷ đồng của năm 2021 trước đó.
Thần tốc tăng vốn, gấp 2,8 lần trong 2022
CTCP Chứng khoán VNDirect thành lập từ tháng 11/2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ công ty tăng nhanh chóng lên trên 12.178 tỷ đồng.
Những năm 2009, 2019 VnDirect từng có giai đoạn lãi trăm tỷ trước khi giảm sút những năm sau đó. Mãi đến 2015, VNDirect mới một lần nữa trở về giai đoạn lãi trên trăm tỷ đồng và gia tăng nhanh chóng cả về quy mô và lợi nhuận.
Và trên thực tế, quy mô vốn, tổng tài sản cuả VNDirect cũng mới chỉ tăng mạnh mấy năm gần đây.
Trước năm 2020 vốn điều lệ công ty đang ở mức 2.200 tỷ đồng, cuối năm 2021 đã tăng hơn gấp đôi lên 4.349 tỷ đồng và cuối 2022 là 12.178 tỷ đồng.
Trong đó năm 2022 VNDirect cũng là một trong những công ty chứng khoán tăng vốn thần tốc, gấp 2,8 lần đầu năm.
Tăng vốn, tổng nợ tăng mạnh, ai đang là chủ nợ lớn nhất của VNDirect?
Tăng vốn, quy mô tổng tài sản cũng gia tăng nhanh chóng, vượt 38.800 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Tuy vậy cơ cấu tổng tài sản - nợ phải trả cũng điều chỉnh theo. Tổng nợ phải trả đến 31/12/2022 hơn 24.300 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 19.300 tỷ đồng và còn có khoản vay trái phiếu dài hạn 800 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VNDirect tăng 5,2% so với đầu năm lên 38.770,123 tỷ đồng.
Đáng chú ý, 99% trong số đó là tài sản ngắn hạn, bao gồm các tài sản FVTPL tăng 54,2% từ đầu năm lên mức 18.930 tỷ đồng, chủ yếu đến từ trái phiếu tổ chức tín dụng (1.715,6 tỷ đồng), trái phiếu doanh nghiệp (7.958,8 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (7.313,7 tỷ đồng).
Các khoản cho vay của VNDirect giảm 41,4% xuống còn 9.060,8 tỷ đồng, dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính và thế chấp cũng tăng từ 140,7 tỷ đồng lên 230,38 tỷ đồng. Các khoản phải thu cũng tăng mạnh so với đầu năm lên 2.245 tỷ đồng.
Về khoản nợ, tính đến 31/12/2022 vay và nợ thuê tài sản tài chính ngắn hạn của VnDirect đạt 24.285 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn giảm từ 20.448 tỷ xuống còn 19.311 tỷ đồng (ở thời điểm kết thúc năm 2022).
Chủ nợ lớn nhất của VNDirect là BIDV (hơn 3.441 tỷ đồng), Trong đó, ghi nhận gần 459.544 tỷ đồng vay ra, và trả về hơn 59.376 tỷ đồng.
Đứng thứ hai là Vietcombank với khoản dư nợ cho VnDirect vay đến 31/12/2022 gần 2.399 tỷ đồng. Trong đó các giao dịch phát sinh vay/trả trong kỳ là gần 8.573 tỷ đồng vay ra, và trả về hơn 8.033 tỷ đồng.
Với Cathay United Bank Việt Nam đại diện ghi nhận phát sinh dư nợ vay của VNDirect là trên 2.303 tỷ đồng, Trong khi đó, Vietinbank với khoản dư nợ cho VnDirect là 438 tỷ đồng tính đến 31/12/2022.
Theo báo cáo tài chính riêng của VNDirect, số còn lại của vay ngắn hạn là “các ngân hàng, đối tượng khác” với dư nợ đến 31/12/2022 là hơn 8.818 tỷ đồng.
Xét về nguồn trái phiếu phát hành, theo báo cáo thuyết minh của VNDirect, ở thời điểm 31/12/2022, công ty ghi nhận khoản trái phiếu phát hành dài hạn là 800 tỷ đồng, trong khi khoản trái phiếu phát hành ngắn hạn là 850 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng khoản vay từ trái phiếu của VNDirect, ở thời điểm 31/12/2022 là 1.650 tỷ đồng.
Lê Hải - Pháp luật Plus