Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với một số địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh: VGP)
Chiều 11/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo với một số địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trả lời kiến nghị các địa phương mong muốn sớm có vaccine phòng COVID-19 tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp (KCN), Phó Thủ tướng cho biết khó khăn lớn nhất là hiện nay là các nguồn vaccine đều không có cam kết về tiến độ giao vaccine.
“Chúng ta không thiếu kinh phí nhưng khó nhất là làm sao có vaccine về sớm nhất, nhiều nhất có thể. Cố gắng trong tháng 7/2021 sẽ tiêm hết vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong các nhà máy, KCN có nguy cơ cao. Hết tháng 8/2021 sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các KCN trên cả nước”, Phó Thủ tướng nói.
Ghi nhận tất cả nỗ lực phòng, chống dịch của các địa phương thời gian qua, Phó Thủ tướng mong muốn các địa phương sẽ kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lây lan trong KCN như ở Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, qua hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã có kinh nghiệm tốt trong phòng, chống dịch tại cộng đồng. Vì vậy, dù chưa gặp phải tình huống phức tạp như chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo Hội thánh Phục hưng (TP.HCM) nhưng lực lượng phòng, chống dịch vẫn “đuổi bắt kịp chuỗi lây nhiễm”.
Vấn đề đáng lo ngại nhất là các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch trong KCN, nhất là tại các DN sản xuất điện tử, môi trường làm việc kín, sử dụng điều hoà, rất đông công nhân.
Đơn cử trong khoanh vùng, cách ly khi phát hiện ca nhiễm thì ngoài KCN, nhà máy thì còn có các khu nhà trọ dành cho công nhân có mật độ rất đậm đặc.
Số lượng công nhân cần lấy mẫu, xét nghiệm để truy vết rất lớn, với yêu cầu trả kết qua trong ngày gây áp lực cực lớn lên lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm. Những ngày đầu dịch bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương có tình trạng lấy mẫu xong phải mấy ngày sau mới có kết quả, khiến lãnh đạo địa phương không nắm được đầy đủ tình hình dịch để có phương án điều hành sát thực tế.
“Dịch vào KCN là một bài toán hoàn toàn khác”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh bên cạnh việc chuẩn bị các phương án ứng phó thì cố gắng để dịch không lây vào KCN, nếu có ca nhiễm phải phấn đấu phát hiện ngay trong vòng 3 ngày đầu tiên.
Muốn vậy, các địa phương phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khoẻ của tất cả người làm việc trong KCN. Những người có lịch trình đi lại, tiếp xúc có nguy cơ thì phải được xét nghiệm sàng lọc.
Dẫn lại bài học kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang sử dụng nơi ở của công nhân để cách ly tại chỗ, không kịp thời giãn, giảm mật độ đã gây lây nhiễm chéo rất nhiều, Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh khu cách ly tập trung, các địa phương phải chuẩn bị phương án cách ly tại chỗ với mật độ giảm thấp hơn bình thường.
Đối với công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu có sự thống nhất chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm cho những nhóm đối tượng khác nhau, nhất là trong tình huống có nhiều đơn vị về hỗ trợ, chi viện.
“Riêng mũi xét nghiệm phải có một lãnh đạo tỉnh chỉ huy, điều phối nếu có những đơn vị từ nơi khác chi viện”, Phó Thủ tướng nói.
Về khoanh vùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không có một mô hình chuẩn cho khoanh vùng cách ly, phong toả mà phụ thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ, sự linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo địa phương. Phó Thủ tướng lấy ví dụ: Nếu chỉ nhìn số ca lây nhiễm ở Bắc Giang thì ngay từ đầu phải giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng thực tế số ca nhiễm chỉ tập trung ở những thôn, xóm xung quanh các KCN.
“Giãn cách, khoanh vùng đến đâu, phải quyết rất sớm nhưng bên trong phải làm rất chặt, tránh tình trạng khoanh rộng nhưng bên trong lỏng, để dịch dây dưa, kéo dài. Trong tình huống ban đầu chưa thể xác định được chỗ hẹp thì tạm thời khoanh rộng nhưng sau đó khẩn cấp điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại”, Phó Thủ tướng nói.
Để vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất an toàn, Phó Thủ tướng đã nhắc lại bài học kinh nghiệm của Bắc Ninh, Bắc Giang “đối với các DN nhất định phải an toàn mới được hoạt động, sản xuất”. Vì vậy, những địa phương có KCN, dù chưa có dịch cũng phải kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những DN chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch.
Đồng thời, qua quá trình kiểm tra, phải yêu cầu DN phải cập nhật đầy đủ thông tin lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn), từ đó địa phương sẽ nắm được tình hình phân bố khu vực sản xuất của DN, để sau này khi ghi nhận, cập nhật các ca F0, F1, F2 thì dựa trên các mô hình tính toán, chuyên gia có thể dự đoán được đường lây, những khu vực có nguy cơ.
Xuân Trường - Theo VTC news