Theo tục lệ, người xông đất là người khách đầu tiên bước vào cửa nhà từ sau thời khắc giao thừa cho đến sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng cho biết, xông đất là 1 mỹ tục gắn liền với tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Người xưa quan niệm, "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá". Mỗi mảnh đất đều có 1 vị thần bảo trợ, người ta gọi là thần Đất.
Xông đất là 1 mỹ tục gắn liền với tín ngưỡng dân gian của Việt Nam từ xa xưa. Ảnh: Đỗ Linh
Táo quân theo nghĩa của tiếng Hán chính là vua bếp. Trong mỗi gia đình đều có 3 vị thần cai quản: Thổ Địa (người trông coi đất đai), Thổ Công (người trông coi bếp núc) và Thổ Kỳ (người phụ trách việc chợ búa, mua bán).
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt làm cơm thắp hương, thả cá chép để tiễn ông Công ông Táo về trời. Từ đó, mảnh đất của chúng ta trở thành vô chủ. Táo quân sẽ lên chầu trời trong 14 ngày Tết: Từ 23 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng, khi khai hạ thì Táo quân mới trở về.
Vì thế, người Việt Nam quan niệm những ngày Tết mảnh đất của chúng ta sẽ vô chủ, không có người bảo trợ. Vì vậy, ai đặt chân vào mảnh đất của nhà mình đầu tiên thì sẽ là người đánh thức linh hồn của đất nên rất coi trọng những người xông đất.
Người Việt kiêng kị những người ốm đau, bệnh tật, những người đang có tang, những người có tính khí khó khăn, không vợ hoặc không chồng đến xông đất. Tóm lại, những người có tính khí không hoan hỉ, xởi lởi, hạnh phúc thì không được chọn làm người xông đất.
Ngày xưa, người ta sẽ chọn ông đồ hoặc bé trai 3 tuổi trong làng để đi xông đất cho tất cả các gia đình trong làng.
"Hiện nay, tục xông đất bớt cầu kỳ hơn nhưng vẫn rất quan trọng. Nên để đàn ông đi xông đất, chọn những người xông đất hợp tuổi với gia chủ, hợp hướng của mảnh đất.
Tục xông đất dần đơn giản hơn, chính những người đàn ông trong gia đình sẽ ra khỏi nhà trước thời khắc giao thừa để hái lộc rồi trở về nhà, họ sẽ xông đất chính ngôi nhà của mình", Nhà nghiên cứu Nguyễn Ánh Hồng cho biết.
Người đi xông đất phải ăn mặc rất chỉnh tề, trang phục sáng màu, tác phong nhanh nhẹn, nói lời hay ý đẹp và phải thường trựcc trên môi 1 nụ cười, mang lại sự hoan hỷ, sự vui tươi và an lạc. Bởi khi đã đặt chân vào gia chủ thì họ sẽ mang theo sinh khí của mùa xuân của đất trời vào trong gia đình đó.
Người đi xông đất nên là đàn ông, có tác phong nhanh nhẹn, hoan hỷ. Ảnh: Toàn Vũ
Nếu gia chủ cho dù không muốn người này xông đất mà họ lại nhỡ bước vào nhà rồi thì gia chủ cũng phải nở 1 nụ cười tươi và đón tiếp 1 cách nồng hậu. Chính cách ứng xử có văn hóa đó có thể hóa giải những điều mà họ cho là không hợp, như vậy sẽ rước được phúc lộc.
Tục xông đất của người Việt thể hiện tinh thần hướng đến những điều tốt lành, may mắn, cầu mong một năm mới mọi sự đều thuận lợi cho các thành viên trong gia đình vẫn được lưu giữ đến ngày hôm nay.
Hà Hiền - Theo Dân Trí