Hiệu quả “3 tại chỗ” giữa đại dịch Covid-19

29/07/2021 07:23

Kinhte&Xahoi Là một trong những tỉnh có số lượng khu công nghiệp lớn nhất cả nước, Đồng Nai đang đứng trước tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động vận hành mô hình “3 tại chỗ”, bố trí cho công nhân ăn, ở và làm việc tại nhà máy để đảm bảo mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất, lại an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kiên định nguyên tắc “3 tại chỗ”

Hiện toàn tỉnh có 31 KCN đang hoạt động, với hơn 600 ngàn công nhân lao động trong và ngoài tỉnh đang làm việc, đa số người lao động tự túc về chỗ ăn, ở. Do đó, diễn biến dịch bệnh lây lan trong cộng đồng khó kiểm soát. Trước tình hình trên, đến nay đã có hơn 300 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, hai địa điểm”. Nhằm hạn chế việc di chuyển của công nhân từ nơi ở đến chỗ làm việc, tránh lây lan, phát tán dịch bệnh.

Nhờ nắm bắt kịp thời chủ trương về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt mô hình vừa sản xuất vừa cách ly. Đây là biện pháp đảm bảo mục tiêu kép mà nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn. Trong đó, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã chấp thuận cho các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” và hướng dẫn triển khai phù hợp.

Để thực hiện mô hình trên, các doanh nghiệp phải đạt nhiều tiêu chuẩn như: Nơi ở tách biệt với khu vực sản xuất, nguy cơ lây nhiễm ít, có đầy đủ hệ thống camera giám sát, người lao động phải có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lưu trú và tuyệt đối không được ra khỏi nhà máy.

Ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, đa số các công nhân cũng đồng tình với phương án “3 tại chỗ”.

Xưởng sản xuất tại công ty TNHH Samtec được trang bị các vạch ngăn cách

Ông Gan Yee Chun - Tổng giám đốc Công ty TNHH Samtec Việt Nam tại KCN Long Thành, Đồng Nai chia sẻ: “Trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 5, Công ty đã chủ động chuẩn bị các phương án cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đến cuối tháng 6, khi liên tục ghi nhận các ca nhiễm ở TP HCM, Bình Dương và nhận định được mức độ lây lan nhanh của chủng virus Delta thì Công ty đã kích hoạt phương án “3 tại chỗ”. Quá trình bố trí khu vực tạm trú, dụng cụ cá nhân và dự trữ thực phẩm khô như mỳ tôm, bánh kẹo, cafe… cho người lao động diễn ra gấp rút trong vòng 1 tuần. Đến ngày 13/7, 620 người lao động của công ty đã được xét nghiệm 100% âm tính và được di chuyển vào nơi ở tạm trú”.

Để khuyến khích người lao động trong thời gian lưu trú tại doanh nghiệp, Công ty cam kết cung cấp miễn phí toàn bộ chi phí sinh hoạt như cung cấp 3 bữa ăn/ngày và bồi dưỡng thêm đồ ăn nhẹ, thực phẩm khô, đồ uống, trái cây, sữa cho mỗi bữa ăn và chi phí xét nghiệm Covid-19 định kỳ hàng tuần.

Ngoài ra, hỗ trợ 200.000 đồng/ngày/người và hỗ trợ thêm 150.000 đồng/người/tháng chi phí sử dụng gói 3G/4G cho toàn bộ công nhân viên. Đối với người lao động không tự nguyện tham gia phương án “3 tại chỗ” thì Công ty cũng hỗ trợ lương tối thiểu vùng/ người lao động.

Doanh nghiệp tổ chức test định kỳ cho công nhân.

Để đảm bảo duy trì tinh thần và thể chất tốt nhất cho người lao động trong thời gian lưu trú, Công ty đã lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động truyền thông xã hội, hoạt động thể thao đảm bảo tuân thủ quy định 5K cho người lao động.

Tương tự, một doanh nghiệp khác đóng tại KCN Amata, TP Biên Hoà, Đồng Nai, cũng thực hiện “3 tại chỗ”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Mai Ngọc Tân một trong những công nhân làm việc tại đây chia sẻ: “Tôi chọn ở lại vì tình hình dịch bệnh tại khu nhà trọ thuộc phường Long Bình, Tp Biên Hoà mà tôi đang ở diễn biến rất phức tạp. Vì sự an toàn, công ty đã chuẩn bị đầy đủ chỗ ăn, chỗ ngủ cũng như khu sinh hoạt. Chu toàn trong việc ăn uống, trợ cấp 180.000 đồng/người/ngày. Mọi thứ khá tốt cho việc lao động sản xuất, ăn ở, sinh hoạt và phòng, chống dịch trong lúc này”.

Khu vực công nhân ở, được trang bị đầy đủ vật dụng thiết yếu.

Được biết, hiện công ty có khoảng 500/800 công nhân đã thực hiện “3 tại chỗ”. Tránh trường hợp khó quản lý khi ở tập thể, do đó công ty phân chia từng khu vực sinh hoạt của nam và nữ. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho tổ trưởng từng bộ phận quản lý công nhân viên và ký cam kết nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định, người đứng đầu quản lý khu vực đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Riêng khu vực phục vụ ăn uống, sẽ được phân chia theo giờ và chia ca để sinh hoạt, tất cả thực hiện nghiêm theo khuyến cáo 5K của Bộ y tế.

Cùng người lao động vượt khó

Song hành với nhứng thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, công ty TNHH Samtec cho biết, hiện đơn vị đang làm việc với nhà thầu cung cấp suất ăn vì nguồn thực phẩm bị ngắt quãng, dẫn đến bữa ăn của người lao động không có nhiều sự lựa chọn và thực đơn không phong phú.

Khi sử dụng xe công ty đi ra ngoài cho trường hợp khẩn cấp để mua thuốc, dụng cụ vật tư y tế thì gặp khó khăn vì đang áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của tỉnh.

Khu giặt và phơi đồ.

Trong thời gian ở tạm trú có ghi nhận trường hợp bệnh, ốm tăng cao và bộ phận y tế của công ty phải chăm sóc liên tục. Chi phí duy trì nơi ở tạm trú tập trung cao, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá theo.

Khu vực hút thuốc.

Tuy vậy, vì sức khoẻ cộng đồng và người lao động, doanh nhiệp luôn tuân thủ nghiêm các quy định và điều khoản liên quan về phòng, chống dịch Covid-19. Hàng tuần sẽ tổ chức test nhanh cho toàn bộ công nhân. Trường hợp nếu phát hiện có ca dương tính sẽ nhanh chóng tiến hành cách ly và thông báo, phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ y tế tránh để lây lan dịch trên diện rộng.

Trước đó, ngày 21/7 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19. Văn bản quy định 7 huyện, thành phố trên địa bàn nếu hoạt động phải thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” (1 cung đường duy nhất vận chuyển công nhân từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất. Hai địa điểm: 1 điểm là nơi ở tập trung cho người lao động, 1 địa điểm là nhà máy sản xuất của doah nghiệp).

Phương án này được áp dụng đối với các doanh nghiệp tại huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch và TP Biên Hoà, TP Long Khánh. Bắt đầu từ 22/7 – 1/8/2021.  

 Trọng Trung - Tuệ Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hieu-qua-3-tai-cho-giua-dai-dich-covid-19-d161880.html