Ảnh minh họa.
Vừa qua, Đoàn kiểm tra chéo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh do ông Trần Danh Phượng, Phó trưởng Ban làm trưởng đoàn vừa tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP năm 2023 tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra các nội dung trong công tác đảm bảo ATTP như công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo; công tác quản lý cơ sở, quản lý sử dụng kinh phí, thống kê báo cáo; thông tin, truyền thông; giám sát ngộ độc thực phẩm, cảnh báo nguy cơ; công tác kiểm nghiệm, thanh tra; việc xây dựng mô hình điểm; nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật…
Theo báo cáo, tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 17.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành y tế quản lý. Trong năm 2023, công tác bảo đảm ATTP được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh, huyện, xã được kiện toàn; công tác phối hợp liên ngành được tăng cường, đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, cung cấp thông tin và xử lý thông tin về ATTP.
Công tác thông tin, giáo dục truyền thông được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; đã tổ chức 46 lớp tập huấn, 224 buổi nói chuyện; treo 1.244 pano, băng rôn, gần 40.000 tờ rơi, áp phích…
Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam, trong thời gian qua cơ sở đã thực hiện lấy 843 mẫu xét nghiệm nhanh, xét nghiệm định lượng một số chỉ tiêu về ATTP; tiến hành thanh tra, kiểm tra 12.381 cơ sở, trong đó cơ sở đạt 10.633 cơ sở đạt, chiếm 85,9%; 1.748 cơ sở không đạt, chiếm 14,1%; xử lý 173 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 487 triệu đồng…
Toàn tỉnh xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm; các vụ ngộ độc thực phẩm được điều tra, xử lý kịp thời theo quy định.
Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP tại Quảng Nam cũng gặp không ít khó khăn do mô hình quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh chưa thống nhất; công chức, viên chức làm công tác ATTP ngành Y tế tuyến huyện, xã chưa ổn định, thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên còn thiếu chủ động trong công tác bảo đảm ATTP tại cơ sở.
Bên cạnh đó, Quảng Nam có nhiều dân tộc người thiểu số có các phong tục tập quán, các món ăn truyền thống riêng; đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đều ở quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, thức ăn đường phố chiếm đa số nên công tác đảm bảo ATTP gặp nhiều khó khăn…
Ngoài nội dung kiểm tra chéo thì việc kiểm tra nội bộ cũng có vai trò quan trọng. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, TP.Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn thanh kiểm tra hậu kiểm ATTP theo kế hoạch; 2 đoàn kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể 10 quận, huyện và các đoàn giám sát mô hình điểm về ATTP.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 386 cơ sở thực phẩm được thanh tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý vi phạm 75 cơ sở.
Lỗi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng; sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giấy chứng nhận GMP, nhãn phụ sản phẩm ghi không đúng, không đủ theo quy định...
Các đoàn kiểm tra đã lấy 12 mẫu thực phẩm để xét nghiệm tại phòng xét nghiệm, kết quả 9/12 mẫu đạt, 3/12 mẫu không đạt, trong đó có 1 mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe dương tính với chất cấm tadalafil, 1 mẫu giò sống và 2 mẫu chả cá dương tính với hàn the.
Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của thành phố đã kiểm tra, giám sát điều kiện ATTP, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn thành phố và truy xuất nguồn gốc rau củ quả cung cấp cho bếp ăn trường học tại 9 cơ sở.
Trong năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát ATTP tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.
Trong đó có quy định việc kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học được triển khai đột xuất hoặc định kỳ theo tháng, quý, năm.
Nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch này là thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về ATTP, bảo đảm 100% các vụ ngộ độc được điều tra xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Có thể truy xuất nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm, cảnh báo kịp thời nguy cơ ô nhiễm của các thực phẩm nghi ngờ.
Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, ngành y tế Hà Nội cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố tại 579 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã.
Được biết, hiện trên địa bàn Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm là 71.557 cơ sở, trong đó có 62.397 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 87.2%) và phát hiện 9.157 cơ sở vi phạm.
Cơ quan chức năng đã xử phạt 5.954 cơ sở với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng; đồng thời đình chỉ 65 cơ sở và tiêu hủy 124 loại sản phẩm vi phạm của 658 cơ sở.
Trong quá trình thanh kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở tại chỗ 2.480 cơ sở có những lỗi tồn tại như nhân viên đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm
Bích Hằng - Pháp luật Plus