Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã truy xuất nguồn gốc nông sản
Kinhte&Xahoi
Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, DN về phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản nhằm quản lý chặt chẽ nguồn gốc nông sản, thực phẩm trên thị trường và minh bạch thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đang duy trì và phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm TP Hà Nội” với địa chỉ tên miền www://check.hanoi.gov.vn. Hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 2.854 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản; 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn. Đặc biệt, đến nay đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 DN trên địa bàn Hà Nội, 238 DN thuộc 41 tỉnh, TP với 9.494 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.
Sản phẩm gạo thơm Bối Khê của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) đã được ngành nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ cấp mã QR truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, việc triển khai phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm vẫn còn khó khăn do nhận thức của các DN, cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng còn hạn chế.
Cùng với đó, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản được bán ở các chợ truyền thống, cửa hàng được lấy từ những hộ kinh doanh tại chợ đầu mối. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của các hộ, cơ sở kinh doanh cũng như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm kinh doanh tại chợ còn hạn chế. Mặt khác, các hộ kinh doanh tại chợ chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở đã tham mưu cho TP kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng cơ quan liên quan ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các địa phương; sau đó tích hợp lên hệ thống truy xuất hàng hóa quốc gia.
Sở đang phối hợp các sở, ngành liên quan phát triển, quản lý “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm an toàn cho TP” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện, tích hợp, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Sở cũng tham mưu để TP có cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất tham gia hệ thống. Ngoài ra, các địa phương cần hỗ trợ DN, cơ sở hoạt động về truy xuất nguồn gốc trên địa bàn như: Tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QR...
Ngọc Ánh - Theo KTĐT