Hỗ trợ người lao động nhiều nơi còn chậm, Bình Dương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ

14/08/2021 15:48

Kinhte&Xahoi Ngày 14/8, Sở lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết vừa ban hành văn bản hướng dẫn đến các đơn vị chức năng các huyện thị xã, TP về việc bổ sung thực hiện hỗ trợ các đối tượng theo một quyết định của UBND tỉnh.

Theo Sở, công tác chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định số 09/2021 /QĐ-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh tại các địa phương còn chậm và nhiều nơi thực hiện còn lúng túng, máy móc. Do đó ngày 13/8, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn, bổ sung một số nội dung giải quyết hỗ trợ theo quy định.

Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng được áp dụng là người bán hàng rong, buôn bán nhỏ, lẻ trên lề đường không có điểm cố định; người thu gom rác thải, phế liệu, bốc vác; người vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện mô tô 2 bánh và các phương tiện có trọng lượng 500kg trở xuống như lái xe mô tô 2 bánh chở khách; người bán vé số lưu động; người lao động tự do trong lĩnh vực xây dựng; người tự làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); người làm việc thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh; các đối tượng khác phải dừng công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19...

Các đối tượng trên được hưởng mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người/lần (chỉ áp dụng một lần duy nhất). Áp dụng phạm vi trên toàn tỉnh đối với người bán vé số lưu động và một số lĩnh vực, ngành nghề phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Văn bản của Sở lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương về việc bổ sung thực hiện hỗ trợ các đối tượng theo Quyết định số 09/2021 /QĐ-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh Bình Dương.

Điều kiện để được hỗ trợ là người lao động tự do, bị mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh và cấp huyện, đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo Luật cư trú.

Các trường hợp cần hỗ trợ nhận đơn đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ thông qua Tổ trưởng dân phố, Trưởng khu/ấp, Tổ Covid cộng đồng, chủ nhà trọ hoặc những đầu mối khác do UBND cấp xã phân công, giao nhiệm vụ. Người lao động chỉ cần kê khai và cam kết những nội dung theo đơn để nộp, không cần phô tô gửi kèm bất cứ loại giấy tờ nào khác.

Đối với người lao động làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp nhưng chưa giao kết hợp đồng lao dộng hoặc chưa tham gia Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động cần lập danh sách đề nghị hỗ trợ, gửi đến UBND cấp huyện, thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.

Duy Trường – Di Linh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ho-tro-nguoi-lao-dong-nhieu-noi-con-cham-binh-duong-chi-dao-day-nhanh-tien-do-d163456.html