Học nghề không phân biệt nam nữ
Không còn nặng quan niệm phải vào bằng được đại học, nhiều em học sinh cũng như các bậc phụ huynh đã thay đổi định hướng nghề nghiệp. Thay vì đăng ký nguyện vọng vào đại học, cao đẳng, nhiều học sinh chỉ xét tốt nghiệp và tìm kiếm cho mình môi trường học nghề ngắn hạn để sớm có công việc ổn định, tự chủ tài chính.
Tại nhiều địa phương, tỷ lệ học sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT tăng cao cho thấy sự dịch chuyển từ nguyện vọng học đại học, cao đẳng sang học nghề đang có chiều hướng tăng lên.
Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phần lớn thời gian học online nhưng khoa Chăm sóc sắc đẹp, trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội năm học 2021 - 2022 vẫn duy trì tốt số học sinh, sinh viên đầu vào.
Theo phân tích của cô Trần Thị Lan, Trưởng khoa Chăm sóc sắc đẹp, xã hội phát triển, nhu cầu làm đẹp của con người ngày càng tăng cao. Các chuyên viên có tay nghề tốt luôn được săn đón với chế độ đãi ngộ rất tốt. Điều này lý giải vì sao học nghề làm đẹp có xu hướng “lên ngôi”. Các bạn trẻ lựa chọn nghề này có thể học trình độ cao đẳng hoặc các lớp nghề ngắn hạn.
Để có bằng đại học, cao đẳng cần 3 - 5 năm; Còn với các khóa đào tạo nghề làm đẹp, chỉ cần 6 - 9 tháng, người học có thể nắm bắt kiến thức, vững vàng tay nghề để bắt đầu lập nghiệp. Ngoài ra, thời gian mỗi khóa đào tạo ngắn, người học có thể học nhiều kỹ năng bổ trợ, tăng cơ hội có việc làm tốt.
Nghề làm đẹp, spa có mức thu nhập cao hơn, ổn định hơn so với nhiều ngành nghề khác. Hiện thu nhập khởi điểm cho người mới vào nghề khoảng 3,5 - 4 triệu đồng. Kỹ năng càng chuyên nghiệp thì thu nhập càng cao.
Với đặc thù chăm sóc sắc đẹp, người làm nghề còn có cơ hội trải nghiệm các máy móc hiện đại, thêm kinh nghiệm làm đẹp cho chính bản thân mình.
Sinh viên khoa Chăm sóc sắc đẹp trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành
Bạn N.T.T.Thảo (ở Phú Thọ) vừa tham gia một khoá đào tạo làm nail ở khoa Chăm sóc sắc đẹp, trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội, chia sẻ: "Gia đình cho em tự lựa chọn ngành nghề theo học để phát huy được năng lực bản thân. Vì thế, khi biết nhà trường mở lớp học nail cấp tốc cho những người có nhu cầu đi du học hoặc định cư nước ngoài nên e đã đăng ký theo học.
Chỉ trong thời gian ngắn, chúng em được học kỹ năng thực hành 4 môn: Chăm sóc móng (cắt da và sơn móng); Kỹ thuật đắp móng bột; Nghệ thuật vẽ cọ nét và vẽ hoạt hình cao cấp (học viên được chọn một trong các thể loại vẽ cọ nét, cọ bản hoặc cọ nổi); Sơn gel do chuyên gia lâu năm có kinh nghiệm ôn luyện thí sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi tay nghề Asean và quốc tế giảng dạy".
Hoàn thành những khóa học ngắn hạn như vậy, các bạn trẻ không chỉ tự tin hơn mà còn có cơ hội làm việc tại các spa, thẩm mỹ viện, trung tâm làm đẹp với nhiều dịch vụ khác nhau. Người có chí hướng có thể học chuyên sâu để nâng cao tay nghề, học thêm các khóa quản lý để mở cơ sở riêng.
Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ thay vì thi vào các trường cao đẳng, đại học đã chọn học ở các trường nghề. Nhiều học sinh, sinh viên đã kiếm được công việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí có người còn tự mở được tiệm làm đẹp.
Học nghề để tiết kiệm thời gian tìm việc làm
Ngày 14/2 vừa qua, đồng loạt các trường nghề cho học sinh, sinh viên trở lại lớp học sau thời gian dài phải học online. Nhiều học sinh lần đầu đến trường, số khác cũng đã có 9 tháng chưa được gặp thầy cô, bạn bè.
Quản lý của các trường nghề cho biết, do dịch bệnh nên thời gian học online kéo dài. Đặc thù của trường nghề là thực hành và thực tập ở các công ty, doanh nghiệp nên các em rất háo hức khi được học trực tiếp để mọi thứ trở về quỹ đạo.
Một lớp học nghề song song với chương trình học THPT ở trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật công nghệ
Bạn Nguyễn Đỗ Ngọc Dương (ở Thái Nguyên), học sinh trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật công nghệ cho biết: "Em lựa chọn học nghề đi đôi với học văn hóa để khi ra trường vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề, tiết kiệm được đáng kể thời gian học tập và không phải chật vật tìm việc làm. Ngay sau đó, em sẽ học liên thông lên cao đẳng nghề luôn.
Theo em tìm hiểu thì ngành điện lạnh sau này sẽ cần nhiều nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao. Đây là động lực cho em phấn đấu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để có công việc tốt, ổn định sau này. Mặc dù dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng thầy cô nỗ lực phòng chống dịch để chúng em được đến trường học trực tiếp".
Câu chuyện của những bạn trẻ trên cho thấy sự thay đổi trong nhận thức về việc học và định hướng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên. Việc chọn học để làm “thợ” thay vì làm “thầy” đang dần phổ biến hơn, bởi các bạn trẻ đã nhận thức được đích đến cuối cùng của mình là một công việc ổn định ngay sau khi ra trường. Nếu như thành thạo nghề thì cơ hội tìm được việc làm rất cao, mức lương cũng ổn định. Hơn nữa, thời gian đào tạo ngắn hơn so với học đại học, ra trường lại có thể bắt tay ngày vào công việc.
Tuy nhiên, dù lựa chọn học đại học hay học nghề thì các bạn trẻ cũng cần xác định được thế mạnh của bản thân, nhu cầu thực tế của địa phương, tránh lựa chọn nghề theo xu hướng, sở thích nhất thời.
Hoa Thành - TTTĐ