Học nghề mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ
Kinhte&Xahoi
Hiện nay, nhiều học sinh chọn nghề chỉ căn cứ vào sự hấp dẫn thời thượng thay vì căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động dẫn tới lãng phí cơ hội, thậm chí cả những quyết định sai lầm về nghề nghiệp, cuộc đời tương lai. Thiếu định hướng nghề nghiệp cũng là lý do dẫn tới tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực.
Học nghề khiến cơ hội việc làm của giới trẻ rộng mở
Hiện nay, nhiều học sinh chọn nghề chỉ căn cứ vào sự hấp dẫn thời thượng thay vì căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động dẫn tới lãng phí cơ hội, thậm chí cả những quyết định sai lầm về nghề nghiệp, cuộc đời tương lai. Thiếu định hướng nghề nghiệp cũng là lý do dẫn tới tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực.Tại các quốc gia phát triển, đào tạo nghề rất được chú trọng, được xem là định hướng của xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như tạo dựng nền tảng cho giới trẻ phát triển sự nghiệp, ổn định cuộc sống ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Tại nhiều quốc gia, học sinh được phân luồng từ rất sớm và được hỗ trợ chọn nghề và lộ trình học nghề phù hợp.
Singapore là quốc gia trong khu vực thành công với chính sách phát triển nhân lực nghề. Tại Singapore, có đến 65% số học sinh phổ thông chọn học nghề. Để khuyến khích việc học nghề và hỗ trợ đào tạo nghề, Chính phủ Singapore đưa ra ba chương trình lớn là tôn vinh người lao động học nghề và tiếp tục ra làm nghề, đầu tư lớn cho giáo dục nghề nghiệp (hệ thống giáo dục nghề ở Singapore gồm 3 trường cao đẳng thuộc Viện Giáo dục kỹ thuật (ITE) và một số trường kỹ nghệ) và có chính sách kỹ năng nghề tương lai.
Việt Nam được đánh giá có nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng, tuy nhiên những thay đổi trong thế giới việc làm không ngừng biến động đã mang đến thách thức không nhỏ đối với những người trẻ.
Theo nghiên cứu của Oxford Economics, công nghệ và robot có thể loại bỏ đến 20 triệu công việc sản xuất trên khắp thế giới vào năm 2030. Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực, tạo ra nhiều việc làm mới.
Các chuyên gia đều cho rằng, khi cấu trúc ngành nghề thay đổi, nếu không kịp thích ứng, người lao động sẽ rất dễ bị đào thải.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết, giáo dục nghề nghiệp cần phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở đào tạo theo cái mình có thay vì gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, sự tham gia từ phía doanh nghiệp – “đầu ra” của hệ thống đào tạo – vẫn cần sự song hành mạnh mẽ hơn nữa. Vẫn còn tình trạng chấp nhận phương án tuyển về đào tạo thêm với lý do “tiết kiệm chi phí” để rồi chỉ sau khoảng 3-5 năm, người lao động lại bị sa thải do “không thích ứng được sự thay đổi nhanh chóng trong ngành sản xuất”.
Nhiều chuyên gia lại chỉ ra rằng, tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” này là do hằng năm, việc hỗ trợ đầu tư cho các trường nghề còn dàn trải, chưa tập trung đi sâu vào thế mạnh của từng trường dẫn tới “cung” chưa đáp ứng được “cầu”.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng những người làm trong lĩnh vực cơ khí, hàn, điện có tay nghề cao. Tuy nhiên, lực lượng lao động tìm đến lại thường thiên về hành chính, văn phòng, kế toán hoặc ngành nghề không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này cũng dẫn đến cầu vẫn thiếu mà cung vẫn thừa.
Cũng vì định kiến “học nghề”, nhiều học sinh khi không đủ điểm đỗ vào đại học đã chọn cách thi lại để "học đại", hoặc tham gia trực tiếp vào thị trường lao động thay vì đào tạo thêm.
Thời gian học nghề ngắn, ra trường có việc làm ngay và mức lương ổn định, hệ thống các trường nghề trong những năm gần đây đã trở lên cuốn hút hơn trong sự lựa chọn của phụ huynh và thí sinh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng, tâm lý “sính” bằng cấp vẫn khiến nhiều gia đình mong muốn lựa chọn con đường đại học dù tương lai còn khá mơ hồ. Bởi vậy, để thu hút thí sinh, theo lãnh đạo nhiều trường nghề chia sẻ, nhà trường thường phải đề ra cam kết 100% học viên có việc làm ngay sau khi ra trường. Trong khi thị trường còn thiếu lao động có kỹ năng, tay nghề cao, các chuyên gia cho rằng, thay vì “phải vào đại học bằng mọi giá” với thời gian đào tạo dài, mức học phí cao, lại phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao không kém, thì học nghề là một lựa chọn có thể đem lại cho người học nhiều cơ hội.
Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2018, tỉ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 85%. Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay ở mức cao như Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trường Cao đẳng nghề số 1... tỷ lệ có việc làm đạt 100%.
Những năm gần đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, chấp nhận thay đổi để thích ứng nhu cầu xã hội từ chính sách vĩ mô như: Tăng cường gắn kết nhà trường với doanh nghiệp; tạo hệ thống mở nhiều cơ hội cho thí sinh học nghề; hướng giáo dục nghề nghiệp tới hội nhập và thị trường quốc tế.