Chiều tối ngày 5/10, nữ sinh N.T.H, ở Quảng Nam vừa thi tốt nghiệp THPT treo cổ tự vẫn ngay tại nhà.
Theo thông tin ban đầu, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, H. thi đạt điểm số khá cao nhưng vẫn không đủ điểm đậu vào trường ĐH theo nguyện vọng của mình. Nghĩ quẩn, H. đã có hành động dại dột tước đi tính mạng của mình.
Gia đình lo hậu sự cho em H., nữ sinh treo cổ tự vẫn vì thiếu điểm vào đại học
Sự dại dột, cái chết của H. là điều vô cùng đau xót nhưng cũng là lời cảnh tỉnh với mọi người. Với thầy cô, với bố mẹ, với chính những học trò đang đối diện với kết quả có thể chưa như ý của một kỳ thi.
Ngay sau khi có điểm tốt nghiệp THPT, nhất là khi các trường ĐH, CĐ công bố điểm chuẩn, nhiều học sinh đã bị khủng hoảng tâm lý khi không đủ điểm để vào ngôi trường mình mong muốn.
Những ngày qua, trên các diễn đàn của học sinh, sinh viên, diễn đàn về trầm cảm... nhiều học trò vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, không đủ điểm vào trường ĐH nguyện vọng... bày tỏ sự bế tắc, thậm chí, có những em chỉ muốn chết cho xong.
Một học sinh tâm sự, em đã rớt khỏi ngôi trường đại học, một ngôi trường bấy lâu em mơ ước. Em kể, những ngày tháng qua, em ôn thi cật lực, dồn hết mọi tâm huyết công sức cho kỳ thi này. Nhưng rồi, em hoàn toàn thất vọng khi nhận kết quả thi.
Nhiều ngày qua, cậu học trò nhốt mình trong phòng, không muốn nói chuyện với ai, không ra ngoài, tự thấy bản thân mình tồi tệ.
"Em xấu hổ vô cùng. Đầu ốc em trống rỗng, không nghĩ và làm được bất cứ việc gì. Với em trượt đại học như là mất tất cả. Nhiều lần em nghĩ, chết quách đi cho xong", cô học trò chia sẻ.
Ảnh minh họaMột nữ sinh tâm sự "chỉ muốn chết quách" vì không đủ điểm vào đại học
Em cũng bày tỏ thêm, bố mẹ không trách móc nhưng em biết, họ rất buồn và thất vọng.
Sau khi chia sẻ tình trạng của mình, em nhận được rất nhiều lời khuyên nhủ, động viên của những người đi trước. Cả những người trước đây cũng đã từng trải qua cú sốc thi rớt.
Cần nhất là thái độ của cha mẹ
Với những học sinh dốc hết thời gian, công sức cho mục tiêu thi đỗ ĐH, khi kết quả không như ý, phải nói đó là một cú sốc. Lúc này, dù ai nói gì, dù với bao nhiêu lý lẽ tươi đẹp thì với tuổi 18, đó là một nỗi đau không dễ vượt qua.
Điều nặng nề nhất với nhiều học sinh là từ bé đến lúc này, nhiều em học chỉ với một mục tiêu duy nhất, một con đường duy nhất là vào đại học. Mọi thành quả, kết quả của sự học bị trói buộc chỉ trong một kỳ thi, trong những con điểm.
Học trò gánh áp lực sau khi các trường ĐH, CĐ công bố điểm chuẩn (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn)
12 năm đến trường, biết bao nhiêu đứa trẻ không được mở ra những con đường vào đời khác ngoài vào đại học.
Với nhiều em, vào đại học còn quý hơn cả sinh mạng, là con đường duy nhất, không vào đại học đồng nghĩa là hết, là chết.
Các em không nắm được vấn đề cốt lõi, 12 năm phổ thông là để mình trang bị những phẩm chất, đạo đức, kiến thức nền tảng để bước vào đời. Mà vào đời thì có muôn hình vạn trạng, với nhiều cách, nhiều lối đi.
Ở góc độ giáo dục nhà trường và gia đình lâu nay, chúng ta quá chú tâm dạy trẻ chiến thắng, thành công mà quên đi việc dạy các em biết đương đầu với thất bại.
Ngoài bản thân mình, học sinh bị áp lực nặng nề nhất khi thi trượt chính là từ phía bố mẹ, gia đình. Nhiều phụ huynh không cần phải nói một lời trách móc, la mắng đâu. Họ chỉ cần nhìn sang con nhà bên cạnh thi đỗ rồi buồn bã, thở dài... đã đủ sức "hạ gục" đứa con.
Thế nên theo các chuyên gia tâm lý, khi con thi rớt, người cần tư vấn nhất chính là... bố mẹ. Chính bố mẹ cần có tâm trạng, thái độ nâng đỡ con thật sự.
Hiệu quả nhất là bố mẹ hãy cùng con trao đổi những dự định, kế hoạch như chọn một trường khác, thi lại, học một cái gì đó trước đây mình chưa có cơ hội học, học nghề.... Để con thấy, mình luôn có nhiều lối để bước đi dù không đỗ đại học.
Thái độ, hành xử của cha mẹ có sức nặng hơn bất cứ lời khuyên, động viên nào từ bên ngoài.
Cuộc sống luôn có nhiều cơ hội và mục tiêu
TS tâm lý Đào Lê Hoà An chia sẻ,việc chưa đạt được kết quả như ý sẽ khiến chúng ta thất vọng, buồn. Nhưng có người sẽ chìm đắm trong nỗi buồn đó rồi gục ngã nhưng có người sẽ biến điều này thành động lực để phấn đấu.
Đặc biệt với việc học, đây là một hành trình dài, điều cần nhất chính là sự nỗ lực không ngừng và tinh thần cầu tiến và ham học hỏi. Điều này, cần phải có cả khi mình đạt được kết quả mong muốn hoặc chưa.
Việc có một kết quả không như ý trên hành trình học vấn, ông An ví von cũng giống một tảng đá bạn gặp trên dòng sông. Chúng ta để tảng đá ấy chặn đứng dòng chảy hay để dòng chảy càng mạnh mẽ hơn là điều chúng ta cần suy nghĩ và hành động.
Việc thi rớt nhưng cuộc sống chúng ta còn vô số những cơ hội, mục tiêu tiếp theo để khẳng định mình. |
Hoài Nam - Theo Dân Trí