Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hôm nay (14/1/2019) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Nhưng mọi thứ “không như là mơ” trước những mong đợi sẽ có hàng hóa nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Giá hàng hóa nhập khẩu giảm không đáng kể
Theo những cam kết trong Hiệp định này, hàng hóa Việt Nam sẽ xuất đi 10 nước thành viên (Nhật Bản, Úc, Canada, Chile, Peru, Malaysia, Brunei, New Zealand, Mexico, Singapore) với những ưu đãi thuế khá cao. Ngược lại, hàng hóa của 10 nước này cũng sẽ xuất hiện tại thị trường Việt Nam với giá thấp hơn.
Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97 - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong CPTPP cũng ở mức vừa phải nên mức độ giảm giá hàng hóa nhờ CPTPP sẽ không dễ để nhận ra. Trong khi đó, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Chilê... đều đã có Hiệp định thương mại (FTA) với Việt Nam nên CPTPP sẽ không đem lại giá trị gia tăng lớn cho họ. Đại diện của Vụ trên khẳng định, giá hàng hóa nhập khẩu từ những nước này cũng sẽ không giảm nhiều nhờ CPTPP.
Do đó, ô tô cũng sẽ là một mặt hàng không được hưởng lợi nhiều (giảm giá) từ CPTPP. Vị đại diện này cho biết, với riêng ô tô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ô tô cũng sẽ không giảm như mong đợi.
Theo vị đại diện Vụ Chính sách Thương mại đa biên, đây là bài toán cân đối giữa cơ sở hạ tầng và số lượng phương tiện, không còn là bài toán bảo hộ nữa. Bên cạnh đó, cơ cấu chủ thể tham gia sản xuất và nhập khẩu ô tô cũng sẽ có tác động lớn tới giá ô tô. Nói thế để thấy rằng, thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ không bao giờ là yếu tố duy nhất xác định giá ô tô.
Được biết, trong 10 nước đối tác của CPTPP, Việt Nam đã có FTA với 7 nước. CPTPP chỉ tạo ra 3 thị trường mới là Canada, Mexico và Peru. Đây không phải là những thị trường quá lớn nên khả năng đem lại đột phá cho xuất khẩu là tương đối nhỏ. Tương tự, hàng hóa từ 3 thị trường mới này không xuất khẩu nhiều vào Việt Nam nên kỳ vọng hàng hóa Canada, Mexico, Peru sẽ xuất hiện nhiều và giá thấp ở Việt Nam là rất khó xảy ra.
Hàng xuất khẩu có hưởng lợi nhiều?
Theo lý thuyết, ngay khi CPTPP có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam sẽ có một số cơ hội bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam có FTA với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, Vụ Chính sách Thương mại đa biên khẳng định: “Như các FTA khác, CPTPP không phải là “mỏ vàng lộ thiên”. Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng nhiên liệu nhiều hay ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được”.
Cũng theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97 - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định này có hiệu lực hoặc theo lộ trình.
Theo đó, đã có 6 nước phê chuẩn CPTPP, bao gồm Canada, Nhật Bản, Mexico, Úc, Singapore và New Zealand. Như vậy, tất cả các cam kết với Việt Nam trong CPTPP đã chính thức có hiệu lực ở các quốc gia này. Trong đó, đáng chú ý nhất là Singapore sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định.
Canada không kém cạnh khi xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đặc biệt, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay. Úc cũng cắt giảm 93% số dòng thuế (của khoảng 2,9 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam) ngay khi thực hiện Hiệp định. Mexico thấp hơn nhưng cũng cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực.
Thực tế, dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang New Zealand còn thấp nhưng quốc gia này sẽ xóa bỏ 94,6% số dòng thuế cho hàng hóa Việt ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Số dòng thuế được xóa bỏ ngay tương đương với 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 101 triệu USD).
Tương tự, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản). Đáng chú ý, với CPTPP, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho phần lớn số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã không đạt được thỏa thuận xóa bỏ thuế quan cho nhiều mặt hàng thủy sản với một số thị trường khó tính như Nhật Bản trong các khuôn khổ hợp tác song phương hoặc khu vực trước đây (trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản; Hiệp định thương mại tự do Asean - Nhật Bản) thì nay với CPTPP, thủy sản (cá ngừ, surimi, tôm, cua, một số loại mực…) của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, với CPTPP, Việt Nam đạt được mức tiếp cận thị trường khá tốt cho thủy sản (hiện đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực) khi xuất khẩu sang khu vực CPTPP. Về cơ bản, mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp, cá viên) có xuất xứ Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm.
Hàng thuỷ sản “rộng cửa” hơn khi đến Nhật
Việt Nam đã không đạt được thỏa thuận xóa bỏ thuế quan cho nhiều mặt hàng thủy sản với một số thị trường khó tính như Nhật Bản trong các khuôn khổ hợp tác song phương hoặc khu vực trước đây (trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản; Hiệp định thương mại tự do Asean - Nhật Bản) thì nay với CPTPP, thủy sản (cá ngừ, surimi, tôm, cua, một số loại mực…) của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.
|
Theo Phapluatplus