Hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong quý II năm nay

04/04/2023 10:39

Kinhte&Xahoi Bước sang quý II/2023, sẽ có hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với lượng trái phiếu đáo hạn ghi nhận trong quý I/2023 trước đó.

Áp lực đáo hạn TPDN gia tăng trong quý II và III

Sau khi Nghị định 08 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã rục rịch phát hành trái phiếu trở lại và hoạt động phát hành cũng thể hiện dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn.

Theo các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, trong quý I/2023, có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công. Tổng giá trị phát hành đạt hơn 28.300 tỷ đồng, tăng 59% so với quý IV năm ngoái.

Hoạt động phát hành riêng lẻ bắt đầu có sự phục hồi khi có 9/11 đợt phát hành riêng lẻ trong quý I/2023 được phát trong khoảng thời gian này.

Trong đó có 11 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 24.400 tỷ đồng, chiếm 86,2% tổng giá trị phát hành.

Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Saigontimes)

Tuy nhiên theo VNDirect, các đợt phát hành riêng lẻ lớn trong quý I/2203 đều là của của các doanh nghiệp ít có tên tuổi, thông tin về các doanh nghiệp này cũng rất hạn chế, thậm chí có doanh nghiệp tính tới thời điểm phát hành chỉ có thời gian thành lập chưa đến 1 năm.

Bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doan nghiệp lớn nhất trong quý I/2203 khi chiếm hơn 85% tổng giá trị phát hành, theo sau là nhóm Tập đoàn đa ngành và nhóm Ngân hàng với tỷ lệ phát hành chiếm lần lượt là 12,35% và 1,41% tổng giá trị phát hành.

Bước sang quý II/2023, sẽ có hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với lượng trái phiếu đáo hạn ghi nhận trong quý I/2023 trước đó.

Đến quý III, VNDirect ước tính sẽ có thêm 83.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61.000 tỷ đồng quý IV/2023.

Trong năm 2023, VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ rơi vào khoảng 232,6 nghìn tỷ đồng, tăng 51,6% so với cùng kỳ.

Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 39,9% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý II/2023, đứng thứ 2 là nhóm Tài chính – Ngân hàng với tỷ lệ chiếm 37,1% tổng giá trị đáo hạn.

 Danh sách các công ty chậm thanh toán nợ TPDN tiếp tục dày lên

Trong bối cảnh, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục tăng lên.

Theo thông tin của VNDirect, tính đến ngày 22/3/2023, có khoảng 53 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu theo thông báo của HNX.

VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 148,9 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 13,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.

Khoảng hơn 46,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,8% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Ảnh: VNDirect

Hoạt động mua lại trước hạn bắt đầu chững lại Tổng giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn trong quý I/2023 đạt 23.730 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên số này giảm hơn 73% so với quý IV/2022.

Tốc độ mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn có xu hướng tăng mạnh từ quý II/2022 và đạt đỉnh trong quý IV/2022 sau khi Nghị định 65 được ban hành.

VNDirect  cho rằng do Nghị định 65 quy định tổ chức phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi tổ chức phát hành vi phạm phương án phát hành. Do đó nhiều doanh nghiệp đã tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn đồng thời xử lý sớm các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới trong Nghị định 65.

Tuy nhiên trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng bị thắt chặt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của các doanh nghiệp trong thời gian qua đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, đây có thể là những nguyên nhân khiến hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn trong quý I/2023 đã chững lại.

Lê Hải - Như Trường- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/hon-70000-ty-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-se-dao-han-trong-quy-ii-nam-nay-d192031.html