Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường ở Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19

02/09/2021 09:35

Kinhte&Xahoi Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 230/TB-VPCP ngày 1-9-2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19.

Thông báo kết luận nêu rõ: Ngày 31-8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì kiểm tra trên thực tế việc thực hiện giãn cách xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội. Sau kiểm tra, tại Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Cùng dự với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.

Về phía thành phố Hà Nội có: Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, quận, huyện, lãnh đạo xã, phường, thị trấn của thành phố (dự họp tại điểm cầu UBND thành phố và tại các điểm cầu quận, huyện, xã, phường). 

Sau khi nghe báo cáo của thành phố Hà Nội, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ kết luận chỉ đạo như sau:

1. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn, đặc biệt sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội trong thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn đạt kết quả bước đầu, duy trì phát triển kinh tế - xã hội những nơi an toàn.

2. Thành phố cần rà soát, khắc phục ngay các hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 như việc số lượng người dân ra đường vẫn rất lớn, chưa đạt yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục ngay các thiếu sót, hạn chế trong việc tổ chức, kiện toàn, hoạt động của các Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch và trong công tác phòng, chống dịch tại từng xã, phường, thị trấn (như việc chưa có Bí thư Đảng ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch chưa có Quy chế làm việc, tổ chức ứng trực chưa thật sự đúng quy định... tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân). Nếu để tiếp diễn tình trạng trên và tại nhiều phường, xã, thị trấn sẽ rất lúng túng, bị động khi tình hình diễn biến xấu hơn. 

Trước mắt, thành phố cần thực hiện tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa, nhất là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh.

3. Trong thời gian tới, thành phố cần tăng cường thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trên mọi địa bàn; trong đó tập trung, ưu tiên chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh ở những nơi đang diễn biến phức tạp. Tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm phòng bệnh là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài; bảo vệ vững chắc các “vùng xanh”, ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng nông thôn nơi có hạ tầng y tế còn nhiều bất cập. Cần chuẩn bị, sẵn sàng tư tưởng thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và phải luôn quán triệt, thực hiện nghiêm phương châm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

4. Thành phố cần quan tâm tập trung chỉ đạo xây dựng các “pháo đài” phòng, chống dịch là các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1022/CĐ-TTg ngày 23-8-2021. Đặc biệt quán triệt và thực hiện nghiêm, hiệu quả nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để phục vụ người dân, động viên, hướng dẫn, đề nghị người dân thực hiện và có cơ chế, biện pháp trực tiếp giải quyết các vấn đề của người dân ngay tại xã, phường, thị trấn; làm cho người dân thấy được việc thực hiện giãn cách xã hội và phòng, chống dịch là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. 

Cấp ủy lãnh đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể tại xã, phường, thị trấn cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: (1) Nếu thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”; (2) Tổ chức xét nghiệm thần tốc, rút ngắn chu kỳ xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm phát hiện sớm, cách ly nhanh nhất F0 và kịp thời thu dung, phân loại, tổ chức quản lý, điều trị tích cực, phù hợp; bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, hạn chế diễn biến nặng và tử vong; tăng cường các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, nhất là ở địa bàn thực hiện phong tỏa cách ly; (3) Bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly; phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở là lực lượng gần dân nhất, hiểu dân nhất, nhất là lực lượng công an phường, xã, cảnh sát khu vực, Tổ Covid-19 cộng đồng; (4) Tổ chức tiêm vắc xin kịp thời, an toàn, hiệu quả ngay tại xã, phường, thị trấn; (5) Bảo đảm an ninh, trật tự xã hội cho nhân dân trên địa bàn; (6) Chủ động bảo đảm nguồn lực phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, kể cả cho kịch bản ở mức cao hơn, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh ở xã, phường, thị trấn; (7) Tăng cường thông tin, truyền thông thống nhất, kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết, người dân hiểu, người dân tin, người dân hưởng ứng, người dân ủng hộ và người dân cùng làm; cụ thể là làm cho người dân yên tâm và tự giác thực hiện phòng, chống dịch; (8) Tổ chức tốt Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng.

5. Thành phố cần tăng cường tập huấn, nâng cao chất lượng nhân lực, chuẩn bị đủ thuốc, vắc xin phòng, chống dịch và các điều kiện vật chất phù hợp cho thực hiện giãn cách xã hội. Thành phố, các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn; kiểm tra kết hợp với với hướng dẫn, hỗ trợ xã, phường thực hiện, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các hạn chế, bất cập. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt, có thành tích; xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước các trường hợp làm chưa tốt, kém hiệu quả, vi phạm trong phòng, chống dịch.

6. Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu “sản xuất an toàn”, theo tinh thần “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt và quan tâm các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các hoạt động quan trọng khác trên địa bàn, nhất là tại xã, phường, thị trấn.

 Theo HNMO

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1010757/ket-luan-cua-thu-tuong-chinh-phu-tai-cuoc-hop-truc-tuyen-voi-cap-xa-phuong-o-ha-noi-ve-phong-chong-dich-covid-19