Kết nối tình người trong mùa dịch bằng mạng xã hội

03/08/2021 10:13

Kinhte&Xahoi Bên cạnh những tác động tiêu cực không đáng có, mạng xã hội đã phát huy được tối đa ưu thế, giúp người và người kết nối với nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong mùa dịch, khiến công tác cứu hộ người nghèo, người khó khăn trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn bao giờ hết.

Thực phẩm được gửi đến một khu cách ly tại TP Hồ Chí Minh.

Cầu cứu trên mạng, nhận lời hồi đáp

“Tôi đang có thai, nhà chỉ có hai mẹ con, chồng tôi đã đi cách ly từ 1 tuần trước, hiện nhà tôi chỉ còn ít thực phẩm ăn được qua hôm nay, mong được mọi người giúp đỡ”. Đó là bài viết của chị N.T.H.V (ngụ quận Bình Tân). Chỉ ít phút sau lời “cầu cứu”, đã có hơn 10 cá nhân vào đề nghị được giúp đỡ chị V bằng cách gửi ủng hộ sữa bà bầu và thực phẩm.

Điều còn lại là cần xác minh tình huống có thực hay không. Kết quả xác minh từ một dân gần đó cho thấy, đây là một trường hợp có thực, bà mẹ trẻ này đang hết sức khó khăn. 4 hộp sữa bầu cùng 10kg gạo, dầu ăn, thịt và thuốc uống bổ sung dinh dưỡng từ một mạnh thường quân đã nhanh chóng gửi đến người mẹ trẻ nói trên.

Khó có thể nói hết những trường hợp mà thông qua sự kết nối của mạng xã hội đã được hỗ trợ trong thời gian qua: Những người lao động nghèo trong khu phong tỏa, những trường hợp người dân gặp khó khăn do thiếu lương thực, những trường hợp bệnh tình trở nặng thiếu xe cấp cứu...

Trong những ngày TP HCM trong tâm dịch, hệ thống y tế có dấu hiệu quá tải, những đội xe cấp cứu miễn phí đã hỗ trợ rất nhiều cho những bệnh nhân F0 và các bệnh khác có nhu cầu đi cấp cứu. Các đội xe cấp cứu được các cá nhân, tổ chức thành lập, đăng tải và lan tỏa thông tin trên mạng xã hội.

Nhiều trường hợp người bệnh có nhu cầu được cấp cứu nhưng không liên hệ được các tuyến xe cấp cứu của bệnh viện công, lên mạng cầu cứu đã nhận được sự kết nối và hỗ trợ của các đội xe này. Có cả trường hợp, đội xe cấp cứu “giải cứu” cả một gia đình F0 tăng nặng mà nhân viên y tế địa phương quá tải, chưa kịp cử người đến để đưa đến bệnh viện dã chiến kịp thời.

Thông qua mạng xã hội, nhiều tổ chức thiện nguyện cũng đã kết nối với nhau để hỗ trợ người gặp khó khăn một cách bài bản, trọn vẹn hơn. Những trường hợp khó khăn được phản ánh lên mạng, một cuộc “truy tìm” diễn ra, các cá nhân, tổ chức địa phương báo về, nhanh chóng, trường hợp khó khăn, lang thang đã được tìm thấy và nhận sự hỗ trợ cần thiết.

Ảo mà thực

“Giúp nhau mùa dịch”, “Giúp nhau mùa dịch - Sài Gòn”, “Sài Gòn tôi yêu”, “Sài Gòn tử tế”... là vài trong số hàng chục nhóm được lập ra giữa mùa dịch để cư dân TP Hồ Chí Minh hỗ trợ lẫn nhau. Có những nhóm chuyên hỗ trợ người gặp khó khăn về vật chất, người nghèo, khổ... Có nhóm chuyên hỗ trợ về mặt y tế, do các y, bác sĩ lập ra để tư vấn từ xa cho bệnh nhân, có nhóm chuyên hỗ trợ, cung cấp miễn phí các vật phẩm y tế, thuốc men cho người cần. Có nhóm chuyên lan tỏa những điều tích cực, tốt đẹp trong những ngày bất an để động viên tinh thần người dân...

Không thể phủ nhận sự hỗ trợ thực tế đến tay người dân từ những hội, nhóm trên mạng xã hội này. Đã có hàng chục ngàn người dân được cấp phát thực phẩm mỗi ngày, có hàng ngàn trường hợp được kịp thời can thiệp, hỗ trợ. Cũng có hàng ngàn những bệnh nhân ổn định tình trạng bệnh, những ca F0 điều trị tại nhà thành công sự hỗ trợ và sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa…

Một hiệu quả hỗ trợ nhau trong mùa dịch khá quan trọng là những hội, nhóm của quận, phường, khu dân cư. Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hầu như đều có nhóm riêng trên mạng xã hội của từng quận, của phường, của các khu dân cư, chung cư… Các hội nhóm này, được lập theo khu vực địa lý nhằm hỗ trợ nhau nhanh chóng, hiệu quả hơn, đặc biệt là khi thành phố hạn chế hoạt động của shipper liên quận.

Những dịch vụ hỗ trợ thực phẩm trong địa bàn quận, khu dân cư, dịch vụ đi chợ hộ, mua hộ thuốc men, nhu yếu phẩm cũng được triển khai trên nội bộ các hội, nhóm này đã giúp người dân giải quyết được nhiều khó khăn, thiếu thốn, hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc.

Tất nhiên, mạng xã hội vẫn còn tồn tại không ít tiêu cực đến từ các tin đồn nhảm, thiếu căn cứ, các thông tin trái chiều, kích động chia rẽ. Nhưng biết “gạn đục khơi trong”, ở thời điểm này, mỗi người dân đều có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ đắc lực để hỗ trợ nhau, chung tay cùng cộng đồng, lan tỏa những điều tích cực... Ảo hay thực là ở lựa chọn của mỗi người.

 Trân Trân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ket-noi-tinh-nguoi-trong-mua-dich-bang-mang-xa-hoi-d162351.html