Khắc phục tình trạng "chạy" thi đua khen thưởng

17/08/2021 14:08

Kinhte&Xahoi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần khắc phục tính hình thức trong công tác Thi đua khen thưởng (sửa đổi), cần đảm bảo công khai, minh bạch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Sáng 17/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Đánh giá cao mô hình khen thưởng “Công dân Thủ đô ưu tú” của Hà Nội

 Trình bày dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự án Luật gồm 100 điều (giảm 3 điều so với luật hiện hành) và giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như luật hiện hành; Sửa đổi, điều chỉnh 79 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách nêu trong đề nghị xây dựng luật.

Một số nội dung đáng chú ý của Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) là sửa đổi, bổ sung về danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”, thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện; Đổi tên danh hiệu thi đua “gia đình văn hóa”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa” thành “gia đình tiêu biểu”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”.

Dự thảo luật đã bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng cho lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh; Cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động các hạng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Đồng thời, dự thảo bổ sung hình thức “truy tặng” đối với danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ Nhân ưu tú” để phù hợp với Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Về cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng, dự thảo luật quy định giảm số lượng hồ sơ từ 3 bộ đối với hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và 2 bộ đối với hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xuống chỉ còn 1 bộ (bản chính) được gửi về cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương để thẩm định và lưu trữ...

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật này phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác thi đua yêu nước, thi đua khen thưởng, trong đó làm sao hướng nhiều hơn đến cơ sở, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, quan tâm khen thưởng vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo.

“Cần khắc phục tính hình thức trong công tác thi đua khen thưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục chuyện “chạy thi đua”, “chạy khen thưởng“. Thậm chí có trường hợp vừa phong anh hùng xong đã phải xử lý rồi”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc sửa luật cần phải làm sao để khắc phục được tình trạng khen thưởng kiểu "gối đầu" khi hiện nay có tình trạng tích lũy để khen; Tổ chức định hướng thành tích cá nhân, thậm chí là nhường nhịn nhau trong khen thưởng.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu việc sửa đổi luật cần phải khắc phục được tình trạng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đặt ra các danh hiệu này, danh hiệu kia, dẫn đến tình trạng "muốn có danh hiệu gì đó thì đóng tiền là có”.

Về khen thưởng người tốt việc tốt, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao mô hình khen thưởng “Công dân Thủ đô ưu tú” của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, chưa có khung pháp lý nhất quán để tổ chức nhân rộng mô hình mà mỗi địa phương hiện đang thực hiện theo hình thức khác nhau.

Hơn 500 vụ việc phức tạp, phần lớn liên quan tới đất đai

 Một nội dung khác tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này là quyết định việc thành lập đoàn giám sát 2 chuyên đề về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân từ 2016 - 2021; Sắp xếp đơn vị hành chính 2019 - 2021.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đó, Uỷ ban sẽ triển khai chứ không chỉ thành lập các đoàn giám sát là xong.

Nhấn mạnh vấn đề khiếu nại, tố cáo ra Trung ương hiện nay rất phức tạp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng những ngày này chúng ta ít gặp người dân ra Trung ương khiếu nại, tố cáo do giãn cách xã hội chứ không phải đã làm tốt chuyện này. Thống kê vừa rồi cho thấy, còn hơn 500 vụ việc phức tạp kéo dài, trong đó có từ 73% - 75% liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường, trong đó có những vụ việc rất nóng. Do đó, cần phải tạo bước chuyển căn bản trong giải quyết vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tới Quốc hội.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khac-phuc-tinh-trang-chay-thi-dua-khen-thuong-173994.html