Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội: Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn

05/01/2023 07:32

Kinhte&Xahoi Hôm nay, 5/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, với 5 nội dung quan trọng được đặt lên bàn nghị sự, Kỳ họp bất thường lần này một lần nữa cho thấy tinh thần đổi mới, khẩn trương, quyết liệt trong hành động của Quốc hội.

Hôm nay, 5/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, với 5 nội dung quan trọng được đặt lên bàn nghị sự, Kỳ họp bất thường lần này một lần nữa cho thấy tinh thần đổi mới, khẩn trương, quyết liệt trong hành động của Quốc hội.

Hình ảnh tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Xem xét những vấn đề cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo Luật Tổ chức Quốc hội (QH), QH họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Thủ tướng hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH yêu cầu thì QH họp bất thường. Căn cứ khoản 2 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 của Luật Tổ chức QH, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, UBTVQH đã thống nhất triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 2, QH khoá XV. Theo dự kiến chương trình, QH sẽ họp tập trung trong 4 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 9/1/2023).

Tại Kỳ họp này, về công tác xây dựng pháp luật, QH sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, QH sẽ xem xét, thông qua 3 Nghị quyết, gồm Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương. Về công tác nhân sự, QH sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của QH (nếu có).

Trong quá trình chuẩn bị trước Kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy trình, quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận cao. “Bất thường chỉ là tiến độ chứ không hy sinh chất lượng, coi nhẹ nội dung. Vấn đề cấp bách mà chưa chuẩn bị kịp thì đưa vào phiên thường kỳ, đó là nguyên tắc”, Chủ tịch QH nêu rõ.

Báo cáo tại Phiên họp thứ 18 của UBTVQH mới đây, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, cơ bản các bộ, ngành đã chuẩn bị tương đối đầy đủ, kỹ lưỡng hồ sơ các nội dung tại Kỳ họp. Qua các bước xem xét, thẩm tra, các Ủy ban của QH đã đánh giá hồ sơ trình đủ điều kiện để trình QH xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Gỡ “nút thắt” cho công tác quy hoạch

Trong 5 nội dung trình QH tại Kỳ họp bất thường lần này, Chủ tịch QH đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nội dung cần kíp nhất, quan trọng nhất quyết định vì sao có kỳ họp bất thường này.

Cần nói thêm rằng, đây là lần đầu tiên nước ta tiến hành lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch, nhằm tổ chức không gian phát triển quốc gia một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030...

Một nội dung cấp bách khác là tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Theo báo cáo của Chính phủ, các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đầy đủ, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, khoản 3 Nghị quyết số 30 cho phép Chính phủ được thực hiện một số biện pháp cấp bách, đặc thù phòng, chống dịch COVID-19 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022. Trong khi đó, một số chính sách đã triển khai thực hiện nhưng còn cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán. Do đó, Chính phủ đề xuất QH việc chuyển tiếp thực hiện đối với một số chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2, QH khóa XV có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao việc QH khóa XV đã triển khai một cách linh hoạt các kỳ họp bất thường. Theo Đại biểu, cần có những kỳ họp bất thường như vậy để theo sát với những diễn biến của xã hội, giải quyết được kịp thời các vấn đề đặt ra.

Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tuy là kỳ họp bất thường, chuẩn bị trong bối cảnh rất khẩn trương ngay sau Tết Dương lịch và trước Tết Nguyên đán, nhưng các nội dung trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và yêu cầu khi trình ra QH. Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, thực tiễn cuộc sống luôn có những thay đổi, biến chuyển nhanh chóng. Do đó, hoạt động của các cơ quan dân cử cũng cần phải thay đổi, thích ứng kịp thời. “Việc tổ chức các kỳ họp QH thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội..”, Đại biểu nêu rõ.

Với phương châm những nội dung cấp bách, triển khai sớm được ngày nào thì có lợi ngày ấy, vì mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, phục vụ cho phát triển đất nước, việc QH tăng cường hợp lý số lượng kỳ họp được nhiều ý kiến đánh giá là điều kiện thuận lợi để tiến tới một QH hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn; đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV.

Minh Ngọc - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/khai-mac-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-2-cua-quoc-hoi-dap-ung-doi-hoi-cap-bach-cua-thuc-tien-d188751.html