Dự phiên giải trình có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương;
Đại diện các cơ quan Trung ương; UBND thành phố; Các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội...
Quang cảnh phiên giải trình
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình, nhất là việc phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần trong quá trình hội nhập và phát triển.
Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06 về "Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025"; Nghị quyết số 09 về "phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Trên cơ sở các Chương trình, Nghị quyết của Thành ủy, HĐND TP ban hành các Nghị quyết, dành nguồn lực, thông qua các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ. UBND TP, các cấp, các ngành và các quận, huyện, thị xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.
Một trong những mục tiêu quan trọng đã được xác định trong Chương trình, Nghị quyết của Thành uỷ và Nghị quyết của HĐND TP, đó là việc quan tâm, đầu tư, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa tại cơ sở.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc
Chủ tịch HĐND TP cho biết, theo báo cáo của UBND TP: Đến tháng 3/2022, toàn thành phố có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 Trung tâm văn hoá, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND TP và các ý kiến, kiến nghị của cử tri, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới như: Các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của Nhân dân. Việc đầu tư các công trình bằng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Việc huy động xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao đạt kết quả chưa cao. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng nhưng việc quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả...
"Xuất phát từ yêu cầu đó, trên cơ sở Chương trình giám sát năm 2022 của HĐND TP, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo các Ban HĐND khảo sát, chuẩn bị nội dung, xây dựng kế hoạch tổ chức phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP, qua đó đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện, xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết và các Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII", Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Về các nội dung cụ thể của phiên giải trình, Thường trực HĐND TP yêu cầu UBND TP, các Sở, ban ngành thành phố, UBND các quận huyện, thị xã và các đơn vị liên quan báo cáo, giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Để phiên họp đạt được hiệu quả, chất lượng và đúng quy định của Luật, Thường trực HĐND TP đề nghị: Các vị đại biểu HĐND TP đặt câu hỏi, nêu vấn đề về những nội dung, lĩnh vực cần quan tâm. Khi đặt câu hỏi, cần cụ thể, ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung cần trao đổi, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Thời gian đặt câu hỏi cho mỗi đại biểu không quá 2 phút.
Đối với người được yêu cầu giải trình: Phải giải trình đúng nội dung, đúng trọng tâm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình và thời gian khắc phục để đại biểu HĐND và cử tri và theo dõi, giám sát. Thời gian giải trình tối đa là 3 phút cho một vấn đề.
Trong phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP, thành viên UBND TP và các đơn vị liên quan sẽ tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được phân công. Căn cứ kết quả giải trình, Thường trực HĐND TP sẽ ban hành kết luận để theo dõi, giám sát việc triển khai, thực hiện.
Hạnh Nguyên - TTTĐ