Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua...

08/08/2021 16:49

Kinhte&Xahoi Ở Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch, và hiện nay có gần 200 ngàn người lây nhiễm, hơn 3000 người tử vong. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ hai ngày 5 và 6/8 đã có 219 người chết vì Covid. Sài Gòn, Hà Nội và nhiều địa phương cách ly, có chỗ phong tỏa “ai ở yên nhà ấy”. Đường phố vắng vẻ, đìu hiu. Chợ búa đóng cửa. Rất nhiều doanh nghiệp ngắc ngứ, hoặc cầm hơi, hoặc phá sản. Người lao động thất nghiệp. Hàng vạn lao động thủ công làm thợ hồ, bốc vác, nhặt ve chai, đạp xe xích lô... vốn thường ngày đã chạy ăn bạc mặt, nay lại mất việc làm thì... dứt bữa, đói dài.

Tại nhiều cửa ngõ tỉnh Quảng Ngãi, người dân di chuyển bằng xe máy vượt vùng dịch để về nhà.

Không trụ nổi ở những vùng dịch phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt mạnh mẽ, đặc biệt là Sài Gòn và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp ở miền Đông, hàng vạn người lao động và người thân ly hương bỗng chốc làm cuộc “tháo chạy”, di tản. Trên đường thiên lý, có ai còn tâm sức nhìn ngắm những tượng đài hoành tráng, hay chỉ thấy dòng người như kiến cỏ mỏi mệt dấn bước về quê. Về quê để cách ly 14 ngày để rồi chấp nhận cuộc sống bình thường cơm rau nước giếng đạm bạc như thời chưa tha hương. Về quê để tránh “bão Covid” rồi khi mưa thuận gió hòa lại ly hương quay về chốn phồn hoa, đông người, lắm việc, hoặc sẽ chẳng bao giờ rời quê, ở nhà mãi mãi.

Trong cuộc “tháo chạy” khỏi vùng dịch khi đường cùng gạo sắp hết, tiền cạn túi đã diễn ra nhiều cảnh đời rơi nước mắt. Một đứa bé 9 ngày tuổi được người mẹ sinh mổ bế ẵm ngồi sau chồng chạy chiếc xe máy cà tàng trên đường thiên lý hơn ngàn cây số dài dằng dặc. Bao nhiêu bất trắc mưa gió, nắng nóng, bệnh tật, tai nạn rình rập gia đình người Mông ấy trên đường tháo lui về quê.

Chẳng thiếu hình ảnh cả gia đình chất chồng trên một chiếc xe máy hồi hương. Vợ bồng đứa bé nhất ngồi sau tay lái chồng, đứa lớn ngồi trên bao tải đồ trước lòng cha. Đi lòng vòng vài chục cây số tốc độ chậm, đứa bé còn chịu được, chứ hành trình hơn ngàn cây số trong nắng nóng miền trung đổ xuống đường nhựa thì sao trụ được. Tóc đứa bé không còn mềm nữa, mà xơ cứng vì nóng và bụi đường. Đôi mắt nai tơ long lanh nhìn chữ viết trên bảng có chịu được tốc độ gió ngược chiều? Chắc chắn cuộc tháo lui về quê cha sẽ làm cho đứa bé ám ảnh không nguôi đến tận khi trưởng thành, thậm chí đeo đẳng suốt cuộc đời.

Có trăm ngả đường về quê, kẻ đi xe máy, người xe đạp, thậm chí là đi bộ. Cuộc hành hương dường như quá mệt mỏi, nhưng phía trước là quê hương vẫy gọi, đằng sau là dịch giã bời bời và đói nghèo, chẳng có cách nào khác là... dấn bước. Bị chốt chặn trước cửa hầm đèo Hải Vân để khai báo y tế, kiểm soát dịch, và trung chuyển, thì hàng vạn người và xe ô tô, xe máy ngược dốc qua đèo phía cửa ải Hải Vân Quan. Chẳng còn đâu cảnh “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Chỉ thấy người và xe chen chúc, dưới cái nóng nung người. Mệt mỏi. Nhếch nhác. Vội vã. Khi đường về quê vẫn xa vời.

Từ đầu tháng 1 năm 2020 bắt đầu virus corona tràn về Việt Nam đến nay, Chính phủ và nhân dân ta phải gồng mình chống dịch, càng gần đây càng vất vả, gian nan và khốc liệt. Giữa lúc bận bịu, “nước sôi lửa bỏng” dịch giã bời bời, nhiều người lẽ ra phải chung tay hiệp sức cùng đồng bào chống dịch, thì lại đi ngược lại hành trình của dân tộc đang đi. Có nhiều nỗi buồn từ những cá thể gây ra rắc rối, phiền hà, vất vả, tốn kém cho cộng đồng. Chỉ cái khẩu trang thôi cũng chen chúc mua, và tích trữ khiến mặt hàng thường ngày chẳng ai để ý, thậm chí còn dè bỉu người nào chăm chỉ đeo chống bụi bảo vệ mũi họng và phổi, khi dịch giã tràn về bỗng chốc bị đẩy giá gấp năm gấp mười đến bất ngờ.

Người F0 bị dương tính virus corona bỗng chốc bị kì thị, ghẻ lạnh như gặp hủi, người tiếp xúc gần (F1) cũng bị xa lánh. Còn bao nhiêu chuyện tréo ngoe ngang trái khiến lòng người ngổn ngang nữa. Một cô gái từ phương tây trở về đất mẹ không khai báo y tế để đi cách ly, khi dương tính thì làm cho người thân đang an lành trở thành F0 và F1. Hồi tháng 3 năm ngoái, đầu đợt dịch thế kỷ, trong khi thế giới có nhiều ca Covid, thì nước ta còn ít người lây nhiễm, Hà Nội càng ít. Căn bệnh thế kỷ Covid-19 còn xa lạ, mơ hồ. Cho nên, sự kiện cô gái nhiễm virus corona không khai báo, khiến cả dãy phố bị phong tỏa, cách ly. Hà Nội có một đêm không ngủ.

Rất nhiều vụ không đeo khẩu trang, di chuyển khi phong tỏa bị nhân viên chốt phòng dịch nhắc nhở thì cãi lại, thậm chí đánh người đang thi hành công vụ. Một ông già 80 tuổi còn cầm mũ đánh sĩ quan công an trẻ chỉ vì anh nhắc nhở ông ra đường phải đeo khẩu trang. Một ông quan huyện đi qua chốt kiểm soát dịch sỉ nhục cán bộ đang thi hành công vụ đòi hỏi kiểm soát dịch xe ông thì phải kiểm soát dịch các xe khác. Cự cãi. Quậy tưng bừng nơi các cán bộ chuyên môn đang thi hành nhiệm vụ. Một ông phó giám đốc huyện miền Tây Hà Tĩnh cưới con rầm rộ bất chấp chỉ thị phòng chống dịch. Một ông phó phường quan niệm “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu” và phạt người dân vô lối. Một nhóm từ thiện vừa phát vừa dè bửu người dân nghèo xếp hàng nhận đồ ăn. Bóc phốt “người đeo vàng đi ăn cơm từ thiện"; "bụi đời đi xin cơm"; "sơn móng tay móng chân mà sao đi xin cơm?". “Miếng ăn là miếng nhục”, từ thiện mà không từ tâm...

Gia đình chị Y Mái cùng 17 thành viên trong gia đình chọn cách lái xe xuyên đêm để về quê nhà Nghệ An tránh dịch.

Chỉ có tiêm vaccine thôi mà cũng lắm chuyện nhiêu khê, buồn ra nước mắt. Chính phủ đã quy định ưu tiên các đối tượng tiêm trước. Còn lại sẽ tiêm sau, chứ chẳng phải không được tiêm. Vậy mà, rất nhiều kẻ chen ngang. Đã chen ngang được tiêm trước, cũng có nghĩa là lấy mất xuất tiêm của người khác. Thà rằng người già trên 65 tuổi bệnh lý nền chen ngang bởi lo sợ lây nhiễm cơ thể không chống đỡ nổi Covid, đằng này là người trẻ sức dài vai rộng? Cô “hoa khôi báo chí” ngày nào khoe uy “ông ngoại” nên mới được chen ngang tiêm vaccine Pfizer. Chị á hậu doanh nhân khoe người anh là lãnh đạo bệnh viện Xanh Pôn nên được tiêm vaccine phòng Covid trong khi còn nhiều người phải chờ. Dĩ nhiên là cả hai trường hợp khoe, cậy “ông ngoại”, “ông anh lãnh đạo” đều đưa ảnh của mình đang tiêm lên minh họa. Đúng là thật thà đến hồn nhiên, dại dột, khiến dư luận vừa buồn cười vừa phẫn nộ... Bao nhiêu chuyện buồn trong đại dịch, kể sao cho hết, càng kể càng buồn.

Chuyện buồn đại dịch nhiều, nhưng chuyện xúc động cũng chẳng hiếm. Hàng vạn chiến sĩ áo trắng không nề hà, chẳng sợ hiểm nguy đi vào vùng dịch bảo vệ sức khỏe đồng bào. Các đoàn quân áo trắng từ phía nam ngược bắc đến với trung tâm dịch Đà Nẵng, sau đó là Bắc Giang, Bắc Ninh trở về chưa ấm chỗ, thì đợt dịch thứ 4 bùng phát, và Sài Gòn, Bình Dương là trọng điểm rất nóng, thì lại có nhiều đoàn thầy thuốc từ phía bắc hành phương nam. Cũng không thể quên hàng vạn cán bộ chiến sĩ biên phòng chốt chặn biên giới ngăn người nhập cảnh trái phép mang mầm bệnh từ ngoài vào. Nắng nóng. Mưa rừng. Rét mướt. Sương mù. Các chiến sĩ mắc võng trong rừng, làm lán dã chiến để ngủ nghỉ và canh phòng. Nhiều sĩ quan, thầy thuốc trẻ hoãn cưới, nhiều người cha mẹ mất không về được chịu tang. Bàn thờ lập tạm nơi biên giới, nơi làm việc phòng chống dịch để chịu tang cha. Hình ảnh cô nữ sinh viên trong đoàn y tế Hải Dương quỳ trước bàn thờ cha lập tạm ngay nơi phòng chống dịch ở Sài Gòn, hướng về Bắc Giang chịu tang cha khiến dư luận xúc động và thương cảm.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít bọc lá rách nhiều” ấy là truyền thống, là đạo lý người Việt. Đồng bào dọc đường mang cơm, nước uống, thực phẩm, xăng dầu..., nhiều nhóm sửa xe, bơm xe giúp những người sa cơ lỡ vận tháo lui về quê. Chị Trần Thị Huệ ở Phan Thiết không giàu có, mặc quần áo cũ, đi dép tổ ong, cầm xấp tiền 500 ngàn đồng bằng tiền bán hàng của mình, phát trọn 120 triệu đồng, rồi có người học làm theo cũng phát cho người dân hồi hương lam lũ trên đường quốc lộ 1A đầy gió bụi. Quán cơm Nụ Cười nấu và phát hàng vạn suất cơm miễn phí. Sài Gòn bị “trọng thương”, cả nước hướng về Sài Gòn. Những chuyến xe chở gạo, chở rau củ, nhu yếu phẩm nối đuôi nhau vào nam đến với Sài Gòn, đến với vùng dịch. Các địa phương miền Trung đón đồng bào hồi hương bằng tàu hỏa, bằng máy bay về quê... Chẳng thể kể hết những việc làm nhân nghĩa, thiện lương lúc đại dịch căng thẳng và nóng bỏng.

“Không ai bị bỏ lại phía sau”, nếu có ai bị bỏ lại chẳng qua là “mưa không khắp” và “lực bất tòng tâm”, chưa nhìn thấy, chưa lo kịp. Nhìn Chính phủ căng mình chống dịch, nhìn đồng bào mình cưu mang người sa cơ lỡ vận, chúng ta có niềm tin và hy vọng vào thiện lương tử tế của con người, hy vọng một ngày không xa, đại dịch thế kỷ Covid-19 sẽ đi qua.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khi-dai-dich-the-ky-covid-19-di-qua-172953.html