Khoản nợ 500 tỷ của Vicoland tại Ngân hàng TMCP Việt Á giờ ra sao?

27/05/2023 13:39

Kinhte&Xahoi Chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tuy nhiên, chủ đầu tư Dự án Mediterraneo Resort vẫn được Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vẫn cấp tín dụng lên tới 500 tỷ. Hiện nay, đây là khoản tín dụng có nguy cơ mất vốn của Ngân hàng TMCP Việt Á.

Khởi công thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Địa Trung Hải (Ảnh: Báo Đầu tư).

Mải PR quên nghĩa vụ tài chính

Nổi đình nổi đám và được quảng bá rầm rộ trên truyền thông trong khoảng chục năm trước, dự án khu nghỉ dưỡng Huyền Thoại Địa Trung Hải - Mediterraneo Resort được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch vịnh biển Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Được Giấy chứng nhận đầu tư số 8142705853 do Ban quản lý khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô chứng nhận lần đầu ngày 02/10/2009; điều chỉnh thay đổi lần đầu ngày 12/03/2010 và lần 2 ngày 20/12/2011 và tiếp đó là lần điều chỉnh vào năm 2007.

Và, sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý cũng như chuẩn bị về tài chính, sáng ngày 28/1/2016, chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland đã tổ chức lễ khởi công Dự án tại tuyến đường du lịch ven biển Lăng Cô (thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Sự kiện ngay lập tức đã được quảng bá rầm rộ trên báo chí truyền thông.

Thời điểm đó, ông Bùi Đức Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vincoland tự hào rằng, với Dự án Mediterraneo Resort, Vicoland và đối tác phát triển dự án Tập đoàn Việt Phương (Hà Nội) cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn  lực và bắt tay ngay vào triển khai dự án đảm bảo tiến độ hoàn thành.

“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, khu nghỉ dưỡng khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần vào việc thay đổi diện mạo của khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thu hút du khách bốn phương về du lịch, vui chơi và nghỉ dưỡng qua đó tạo ra công ăn việc làm cho địa phương, tạo làn sóng thu hút đầu tư, góp phần tích cực vào sự ổn định phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.”

Tuy nhiên, vài năm sau đó, dự án liên tục chậm tiến độ trong thời gian dài rồi lại “rục rịch” triển khai trở lại.

Liên quan đến dự án này, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch của Bộ VHTT&DL và 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó chỉ rõ Công ty Vicoland chưa thực hiện nộp đầy đủ số tiền ký quỹ 8 tỷ đồng theo cam kết đầu tư ký ngày 13/7/2011 với Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (mới nộp 3,3 tỉ đồng), chưa đảm bảo đúng thời hạn nộp theo cam kết.

Hơn nữa, việc xác định 20.638 m2 đất biệt thự kinh doanh bất động sản du lịch là loại đất ở trong giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần ba ngày 1/6/2017 là chưa đúng quy định về phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2013. Tổng thời gian dự án được gia hạn tiến độ qua 2 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư là 87 tháng, gấp 3,6 lần tổng thời gian giãn tiến độ quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014…

Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo BQL khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đôn đốc Tập đoàn Vincoland tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án .

Mới đây nhất, tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải cũng được nhắc đến trong danh sách các dự án công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

500 tỷ có nguy cơ mất vốn thế chấp những gì?

Được biết, dự án khu nghỉ dưỡng Huyền Thoại Địa Trung Hải - Mediterraneo Resort được cấp phép xây dựng số 01/2016/GPXD ngày 25/1/2016 của Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Ảnh minh họa (VietABank.com.vn).

Nhưng trước đó, ngày 31/12/2015, VietABank Chi Nhánh Hà Nội (Số 34B Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã ký hợp đồng số 503-02/15/VAB/HĐTCQTS-HTTTL với Công ty Vicoland.

Theo đó tài sản đảm bảo là: “Quyền tài sản phát sinh từ “Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế” do Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland làm chủ đầu tư…”

Trong đó bao gồm Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng từ “Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phải thu mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển “Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế”; Quyền đòi nợ hoặc các khoản phải thu phát sinh từ các hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng góp vốn, hợp đồng kinh doanh, hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật được chủ đầu tư giao kết hợp pháp theo quy định của pháp luật của Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Liên quan đến việc cấp tín dụng cho Công ty Vicoland, theo nguồn tin riêng của phóng viên, hiện Công ty Vicoland đang còn dư nợ tại VietABank là 500 tỷ đồng. Ngày 30/11/2020 khoản nợ này đã chuyển nhóm nợ sang nhóm 3; chuyển nhóm nợ 4 vào ngày 31/10/2021.

Tính đến thời điểm bài viết được đăng tải, Vicoland vẫn đang nợ VietABank với dư nợ là 500 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (dư nợ có khả năng mất vốn).

Vậy, mục đích sử dụng vốn của chủ đầu tư là gì. Ngân hàng TPCP Việt Á thẩm định, giải ngân cho dự án này như thế nào, đó là nội dung chúng tôi tiếp tục thông tin.

(Còn tiếp)

Nguyễn Xuân Thái - Pháp luật Plus

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/khoan-no-500-ty-cua-vicoland-tai-ngan-hang-tmcp-viet-a-gio-ra-sao-d194112.html