Khơi dậy sức mạnh văn hóa Thăng Long - Hà Nội: Thời cơ và hành động

02/02/2022 20:46

Kinhte&Xahoi Văn hóa là tài sản vô giá của Thăng Long - Hà Nội, nhưng lâu nay vẫn thường thấy dưới dạng tiềm năng nhiều hơn là nguồn lực nội sinh có thể sánh ngang hàng với kinh tế, chính trị. Từ những chủ trương chưa từng có trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội đã và đang tạo ra thời cơ để tất cả cùng hành động, với quyết tâm khơi dậy sức mạnh văn hóa Thăng Long - Hà Nội xứng tầm với Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Báo Hànộimới giới thiệu tới độc giả loạt bài “Khơi dậy sức mạnh văn hóa Thăng Long - Hà Nội: Thời cơ và hành động”, phản ánh những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố trong việc phát huy nguồn lực văn hóa cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Bài 1: “Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…”

 “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…” - Lời ca da diết ngân lên khúc mở đầu bài hát “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi như gieo vào lòng người yêu Hà Nội cảm xúc chất chứa về Thủ đô linh thiêng, hào hoa và cổ kính. Gói gọn trong những ca từ dung dị mà sâu sắc ấy là niềm kiêu hãnh về chiều sâu lịch sử, văn hóa - những giá trị trường tồn đã và đang lắng đọng trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, góp phần làm nên hồn cốt, tinh hoa suốt dặm dài lịch sử.

Theo dấu ngàn năm

 Ca khúc “Người Nội” được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sáng tác vào năm  1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ vừa mới nổ ra được ít ngày và cả Hà Nội đã lên đường sơ tán theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với cảm xúc dạt dào, chàng thanh niên 23 tuổi tài hoa đã phác họa một Hà Nội trong không gian văn hóa và chiều sâu lịch sử bằng một loạt địa danh nổi tiếng, những cái tên gắn với từng thời đại hào hùng, cùng lời khẳng định đây là nơi lắng hồn núi sông đất nước. Lời khẳng định này, thêm một lần cho thấy những đặc trưng nổi bật của Thăng Long - Hà Nội, “nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc” - những điều đã được xác lập từ thuở định danh là đất Kinh kỳ - Kẻ chợ, đến nay vẫn còn hiển hiện qua năng lực sáng tạo dồi dào, tinh thần Thăng Long bất biến cùng nguồn tài nguyên di sản phong phú, độc đáo hiếm nơi nào có được.

Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý nhận định: “Lịch sử cho thấy Hà Nội là vùng đất hội nhập và hội tụ những giá trị văn hóa; vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của đất nước”.
 

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, Thăng Long - Hà Nội với đặc trưng hội tụ, kết tinh, lan tỏa suốt hơn ngàn năm lịch sử, đã là nơi thu hút, đào tạo nhân tài cho đất nước và cũng là nơi để các tài năng dựng nghiệp, phát huy thế mạnh trên đất văn vật kinh kì.

Thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lại phản ánh bức tranh di sản văn hóa Hà Nội chi tiết, sát thực hơn. Đó là hệ thống di sản dày đặc với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích quốc gia và 1.441 di tích cấp thành phố; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đa dạng loại hình, trong đó có 3 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới và 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 
 
 
 

Có thể kể đến, Văn Miếu - Quốc Tử Giám - lò luyện văn quốc gia, trung tâm đào tạo tiến sĩ, nơi được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của cả nước; Hoàng thành Thăng Long - khu di sản với tư cách là trung tâm quyền lực từ thời Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn; Thăng Long tứ trấn - cụm di tích thờ 4 vị thần trấn giữ tứ phương huyết mạch kinh thành… hay Khu phố cổ với hàng chục phố hàng đã đi vào ca dao, tục ngữ dân gian…

Trong kho tàng văn hóa mà các bậc tiền nhân để lại hôm nay còn có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, đa dạng loại hình, biểu đạt tài hoa, ước vọng của người dân chốn kinh kỳ. Không ít đại diện, như: Hội Gióng, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, múa bồng, rối nước…, đã có mặt từ thời tạo dựng Kinh đô Thăng Long, hay hàng ngàn di sản khác là đại diện tiêu biểu cho nhiều triều đại nối tiếp Lý, Trần, Lê… Dù với vai trò nào, những vốn văn hóa quý báu ấy luôn là “tấm gương” soi chiếu lịch sử, khẳng định năng lực sáng tạo, tinh thần Thăng Long, đồng thời, lưu giữ, bảo vệ truyền thống, bản sắc văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Năng lực sáng tạo và tinh thần Thăng Long

 Không chỉ sở hữu hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, Hà Nội còn là mảnh đất ươm mầm, nuôi dưỡng, thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa sáng tạo trở thành một đặc điểm lớn trong lịch sử tạo lập và phát triển Hà Nội. Theo Tiến sĩ Phan Đăng Long (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội), trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội đồng thời cũng trở thành cái nôi của sự sáng tạo. Tụ họp về đây là những tinh hoa của các vùng, miền cả nước, theo thời gian hình thành cho Thăng Long - Hà Nội những lớp cư dân tinh tế, có khiếu thẩm mỹ và tình yêu nghệ thuật. “Các ngành nghề thủ công phát triển, hình thành đất Kẻ chợ, với những cư dân là những thợ thủ công “khéo tay hay nghề”. Cũng từ đây, những làng nghề, phố nghề hình thành, mà điển hình là khu 36 phố phường, như một minh chứng cho những không gian sáng tạo của Hà Nội cổ”, ông Phan Đăng Long nhấn mạnh. 

Có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong lòng thành phố ngàn năm văn hiến  những dấu ấn sáng tạo mang tinh thần Thăng Long, minh chứng cho việc Hà Nội luôn là nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sáng tạo. Đó có thể là những báu vật trường tồn với thời gian, như: Pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ trong đền Quán Thánh; bức chạm phù điêu Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền Lạc Long Quân; bộ tượng các vị la hán chùa Tây Phương; tượng đôi sư tử đá ở đền - chùa Bà Tấm… hay những sản phẩm thủ công hết sức bình dị như nón lá làng Chuông, tò he Xuân La, chuồn chuồn tre Thạch Xá... Trong không gian đổi mới và hội nhập quốc tế, năng lực sáng tạo của người Hà Nội tiếp tục ghi dấu ấn bằng những sản phẩm tiếp biến văn hóa, thể hiện qua nhiều lĩnh vực: Mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn... Các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như: Du lịch di sản, báo chí - xuất bản, giải trí công cộng… cũng phát triển theo hướng đa dạng hóa, liên kết đa lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của công chúng thời hiện đại.

 
 
 
 

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương, “Hà Nội là thành phố của sự đa dạng các tài nguyên văn hóa, với hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc, kết cấu hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp các phố phường, làng quê cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà đổi mới khoa học - công nghệ và các không gian sáng tạo trên toàn thành phố. Hà Nội đã và đang là nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sáng tạo...”.

Đây cũng chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa. Vấn đề là tận dụng và phát huy nguồn lực ấy ra sao!

Thanh Thủy, Ảnh : Tuấn Điệp - Quang Thái - Hà Nội mớ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mớihttp://www.hanoimoi.com.vn/mega-story/van-hoa/1023573/longform-khoi-day-suc-manh-van-hoa-thang-long---ha-noi-thoi-co-va-hanh-dong