Hình ảnh hiện trường vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái liên tiếp hứng chịu những đợt mưa lũ và sạt lở gây chết người. Địa danh du lịch nổi tiếng Mù Cang Chải một lần nữa tan hoang do mưa lũ.
Tại Sóc Sơn, Hà Nội, vụ sạt lở đã vùi lấp hàng chục ô tô trong bùn đất ở một xóm núi và làm lộ diện nhiều công trình vi phạm, trong đó có cả những biệt thự xây trên đất rừng phòng hộ, đường dân sinh do các chủ nhà tự xây dựng. Sự vùi lấp cái này lại phơi bày cái khác, có lẽ nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, ở tỉnh Đắk Nông, trước nguy cơ lũ lụt và sụt lở có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp ứng phó với thiên tai. Nguy cơ vỡ một hồ chứa nước, hàng triệu mét khối nước và đất đá tràn xuống hạ lưu đang hiển hiện. Nơi đây, hằng năm có hàng nghìn héc ta rừng bị tàn phá, chưa kể đến các diện tích rừng bị thu hẹp bởi sự "xâm thực" của người dân. Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân do nước, mưa lớn bất thường. Nhưng đó chỉ là nguyên nhân trực tiếp, còn cái sâu xa, tiềm tàng ẩn họa phải chăng là nạn phá rừng chưa được đề cập đến?
Chủ đơn vị thi công ta luy ở Đà Lạt đã bị bắt và sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật cho những vi phạm của mình, đường “dân sinh” tự phát bị phá bỏ, công trình xây dựng trái phép bị cưỡng chế, nhưng chúng ta không thể bắt thiên nhiên ngừng nổi giận, không thể trả ngay lại sự cân bằng sinh thái sau khi phá hoại nó. Cách chúng ta đang ứng xử với thiên nhiên có lẽ còn phải trả giá dài đến những thế hệ sau, nếu để tình trạng phá rừng và nạn “xâm thực” tiếp diễn.
Phaly - Pháp luật Plus