Sau khi một số cây xăng ở vài tỉnh miền Trung, Tây Nguyên có hiện tượng dừng bán hàng do hụt nguồn cung, không có nhân viên phục vụ…, ngay trong sáng và trưa 9-2, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các cây xăng trên đường Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, đường Láng, Nguyễn Lương Bằng…, các cây xăng vẫn hoạt động bình thường và thưa vắng.
Cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo hoạt động bình thường sáng 9-2.
Thông tin về điều này, theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Tập đoàn trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn hoạt động bình thường, bảo đảm nguồn cung phục vụ người dân và doanh nghiệp. Với các đại lý ủy quyền ký hợp đồng với Petrolimex, Tập đoàn cam kết thực hiện theo đúng hợp đồng và tiến độ giao hàng đã thỏa thuận.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, ngay trong chiều 8-2, Cục đã chỉ đạo 22 Đội Quản lý thị trường các quận, huyện rà soát, kiểm tra các điểm bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn quản lý, tiến hành lập biên bản, xử lý nghiêm những đơn vị có hành vi đầu cơ, tích trữ xăng, dầu.
“Đến sáng nay (9-2), theo báo cáo nhanh từ 22 Đội Quản lý thị trường, tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội không có cây xăng nào đóng cửa, dừng bán hàng. Không có hiện tượng đầu cơ, tích trữ xăng, dầu chờ tăng giá”, ông Hùng nói thêm.
Để giám sát cụ thể hơn nữa, trong chiều 9-2, Sở Công Thương Hà Nội đã lập Đoàn kiểm tra, do bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở dẫn đầu, đã kiểm tra đột xuất cửa hàng xăng, dầu số 171 đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) và cửa hàng xăng, dầu số 112 đường Trần Phú (quận Hà Đông). Tại thời điểm kiểm tra, các cửa hàng xăng, dầu này vẫn hoạt động bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ xăng, dầu.
Cây xăng trên phố Trần Quang Khải không có hiện tượng ùn ứ, người dân mua tích trữ.
Báo cáo nhanh với đoàn, bà Hoàng Thị Lệ Mỹ, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần ô tô vận tải Hà Tây - đại lý bán lẻ xăng, dầu cho biết, lượng người mua đã tăng lên từ sau ngày mùng 4 Tết. Những ngày qua, trước thông tin sẽ có đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, lượng người mua tăng khoảng 1,5 lần so với thời điểm trước Tết nguyên đán Nhâm Dần.
Bà Mỹ nói: “Tuy nhiên, cửa hàng cam kết giữ nguyên mức giá, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp 24/24 giờ. Hiện nay, tỷ lệ chiết khấu không cao, doanh nghiệp càng tiêu thụ nhiều thì càng lỗ do phải gánh theo nhiều chi phí về vận chuyển, kho bãi… nhưng chúng tôi xác định, đây chỉ là yếu tố tạm thời, nên vẫn mở bán để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”.
Trao đổi thêm về điều này, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, bình quân 1 tháng, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội khoảng 146.500 m3; trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.500 m3 (E5 chiếm 35%, Ron95 chiếm 65%), dầu khoảng 48.750 m3 (gồm dầu Do 0,05, dầu Do 0,001S, dầu Mazut). Hiện nay, lượng dự trữ, cung ứng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu phục vụ nhu cầu trên địa bàn Hà Nội đạt 170.000m3.
Cụ thể là: Công ty Xăng dầu khu vực I, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình và các công ty thành viên của Tập đoàn Petrolimex cung cấp khoảng 90.000 m3/tháng; Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội (PVOIL) là 5.000 m3/tháng; Tổng công ty xăng dầu Quân đội là 6.000 m3/tháng; Công ty cổ phần Hóa dầu quân đội là 4.000 m3/tháng và thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối khác khoảng 65.000 m3/tháng.
Đoàn kiểm tra của Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra đột xuất tại cửa hàng xăng dầu số 112 đường Trần Phú, quận Hà Đông. Ảnh: Trung Hiếu
Qua thông tin trực tiếp từ các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu, tình hình cung cấp xăng dầu hiện nay vẫn đáp ứng đủ nhu cầu, không có tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, không có tình trạng đóng cửa ngừng bán hàng do thiếu hàng. Các doanh nghiệp cam kết duy trì, bảo đảm đầy đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Bà Lan cũng cho biết, theo phản ánh của một số doanh nghiệp xăng dầu trong thời gian qua, giá xăng dầu thế giới đang tăng cao nhưng do theo quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu/lần, lần gần đây nhất là ngày 1-2 không thực hiện điều chỉnh (do trùng với ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần), phải đợi đến ngày 11-2 mới thực hiện điều chỉnh nên chiết khấu giá xăng dầu xuống thấp, nguồn hàng có hiện tượng chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trên cơ sở thực tế tình hình thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các nước trên thế giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có khả năng tác động đến kinh tế - xã hội trong nước nói chung và thị trường xăng dầu nói riêng; để ổn định nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu thị trường, đồng thời bảo đảm hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh bán lẻ xăng dầu, ngành Công Thương Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu bảo đảm kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới có biến động để giúp cho các doanh nghiệp đầu mối chủ động hơn trong việc đặt đơn hàng nhập khẩu xăng dầu, từ đó hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn; hoặc xem xét việc để giá xăng dầu tự điều tiết theo cơ chế thị trường.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy lọc dầu (trong đó có 2 nhà máy lọc dầu lớn là Nghi Sơn và Bình Sơn) thường xuyên bảo đảm hoạt động sản xuất, đáp ứng nguồn xăng dầu cho thị trường, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu bớt ảnh hưởng bởi giá xăng dầu của thị trường thế giới…
Thanh Hải - Hà Nội mới