Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mọi hoàn cảnh

04/08/2021 16:38

Kinhte&Xahoi Đây là nhiệm vụ tối quan trọng của ngành Công thương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhằm mục tiêu trong mọi hoàn cảnh không để bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.

Theo đó, ngay từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Công thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn kế hoạch hợp tác trong sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại phía Nam, Bộ Công thương đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải kiểm tra việc kinh doanh tại chợ truyền thống. (Ảnh: DMS)

Đồng thời, Bộ này cũng thành lập “tổ công tác đặc biệt” và tổ công tác tiền phương phòng chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tại phía Nam để xử lý kịp thời các vấn đề nóng, vướng mắc, khó khăn trong công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Đặc biệt, Bộ Công thương cũng gấp rút xây dựng phương án và triển khai quyết liệt 3 nhiệm vụ chính. Trong đó, Bộ này phối hợp cùng chính quyền, Sở Công thương các địa phương đánh giá khả năng cung ứng tại chỗ, xác định nhu cầu hàng hóa cần cung ứng trong tình huống phải thực hiện theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng khẩn trương kết nối cung cầu giữa các địa phương, các nhà sản xuất, nhà phân phối theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ điều phối hàng hóa cho các địa phương thiếu cục bộ; phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương và các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam lên phương án tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, triển khai các chương trình, hoạt động đẩy mạnh bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cung ứng kịp thời cho người dân.

Do đó, đến nay tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, giá cả tương đối ổn định

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa.

Do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện tại một số địa phương có khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trên địa bàn hoặc giữa các địa phương với nhau.

Vì vậy, để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.

Xác định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, Bộ Công thương đặt mục tiêu tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu, giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Trong đó, riêng đối với mặt hàng xăng dầu, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của giá trên thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành phù hợp, giảm thiểu sự tác động đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của Nhân dân được lưu thông thông suốt, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng.

Người dân mua hàng thiết yếu tại siêu thị

Đồng thời, Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn của thị trường, đặc biệt là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần.

Cùng với đó, Bộ Công thương cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương; chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội).

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ hỗ trợ và đôn đốc các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương.

Một nhiệm vụ nữa là Bộ Công thương cũng tập trung hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, tránh tụ tập đông người khi đi mua hàng tại các chợ, siêu thị ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Văn Huy - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khong-de-dut-gay-chuoi-san-xuat-cung-ung-hang-hoa-thiet-yeu-trong-moi-hoan-canh-172527.html