Không để lỡ nhịp phục hồi, tăng trưởng kinh tế

20/02/2022 09:29

Kinhte&Xahoi Mặc dù trải qua một năm khó khăn vì dịch Covid-19, song với sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, quan hệ lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội ổn định. Sau Tết cơ bản không có sự thiếu hụt nhân sự. Tinh thần nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc, quyết tâm không lỡ nhịp phục hồi, tăng trưởng kinh tế đang lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều doanh nghiệp.

Sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel (Khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên).

Thêm nhiều lao động được chăm lo

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, dịp Tết vừa qua, số đoàn viên, người lao động được các cấp Công đoàn chăm lo là 457.705 người, tăng 289% so với Tết Tân Sửu. Trong lúc người lao động khó khăn nhất, vai trò của tổ chức Công đoàn càng được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động như chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”…

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Liên đoàn Lao động thành phố đã hỗ trợ vé xe bằng tiền cho 1.000 công nhân Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội về quê đón Tết với số tiền 480 triệu đồng. Ngày 29-1-2022, Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Giao thông - Vận tải, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã phối hợp đưa 200 lao động có hoàn cảnh khó khăn, nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ về các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Công đoàn các cấp, đã có hàng nghìn chuyến xe miễn phí đưa công nhân địa phương, doanh nghiệp mình về quê đón Tết cùng gia đình.

“Nhiều công ty còn bố trí phương tiện đón công nhân trở lại làm việc sau Tết, tạo niềm tin, tình cảm, sự gắn bó chặt chẽ giữa đoàn viên, công nhân lao động với tổ chức Công đoàn và góp phần tích cực vào việc ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp”, ông Lê Đình Hùng nói.

Góp phần phát triển kinh tế

Ghi nhận tại Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (quận Tây Hồ) cho thấy, để tạo sự gắn kết và khuyến khích tinh thần cho người lao động yên tâm làm việc, các chính sách thưởng và chăm lo đời sống được đơn vị duy trì tốt.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Chịu tác động của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh bị sụt giảm nhưng công ty luôn bảo đảm chi trả lương, thưởng đúng thời hạn, đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động. Ngoài thưởng Tết, sau khi đi làm lại, công ty đã có quà mừng năm mới cho người lao động. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi đã hỗ trợ 500.000 đồng/người đối với toàn bộ nhân viên. Ngoài ra, với những trường hợp phải thuê trọ, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ 500.000 đồng/người. Bên cạnh chăm lo đời sống cho người lao động, công ty cũng tập trung duy trì 10 “Tổ an toàn Covid-19” hằng ngày tổ chức tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc.

Anh Nguyễn Đình Hải (công nhân Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam) chia sẻ: "Những sự hỗ trợ trên là niềm động viên giúp người lao động thêm yên tâm. Không cần ai bảo ai, anh em công nhân đều cố gắng đồng hành, thi đua lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của công ty”.

Với Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel (Khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên), Tổng Giám đốc Công ty Nobuo Toyoda cho biết, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và duy trì hoạt động sản xuất, dưới sự hướng dẫn của tổ chức Công đoàn, công ty đã triển khai nhiều giải pháp như: Thường xuyên làm sạch môi trường, tổ chức cho người lao động tiêm vắc xin mũi 3 phòng Covid-19, tiếp thêm động lực để công nhân bắt tay ngay vào việc.

Còn tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai hiện có 71 doanh nghiệp đóng trụ sở. Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất Nguyễn Văn Toàn cho biết, cùng với các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều đạt trên 90% người lao động trở lại làm việc. Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho hay, công tác nắm bắt tư tưởng đoàn viên, công nhân được triển khai đồng bộ, kịp thời. Nhờ vậy, dịp trước và sau Tết khu vực này không có hiện tượng đình công, lãn công.

Thông tin về các hoạt động thời gian tới, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, không chỉ thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình là phối hợp chăm lo cho đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ chủ động, tích cực cùng cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch thông qua việc thành lập, duy trì “Tổ an toàn Covid-19” tại doanh nghiệp với lực lượng nòng cốt là cán bộ Công đoàn cơ sở và đội ngũ an toàn vệ sinh viên; trực đường dây nóng xử lý kiến nghị của đoàn viên, người lao động. Đây chính là "cánh tay nối dài" của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định tình hình quan hệ lao động, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước.

 Hà - Ánh - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1025157/khong-de-lo-nhip-phuc-hoi-tang-truong-kinh-te