Theo tài liệu phóng viên có được, tại Quyết định số 638/ QĐ-VNPT Net-KHĐT-PTM ngày 27/3/2018 do Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hạ Tầng mạng (VNPT Net) thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Nguyễn Như Thông ký, phê duyệt kết quả chỉ định thầu Gói thầu Thiết kế kỹ thuật và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc Dự án “Mở rộng mạng vô tuyến khu vực 18 tỉnh miền Bắc mạng Vinaphone 2018” cho Công ty Cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện (CTIN). Giá trúng thầu đã bao gồm thuế GTGT là: 13.846.051,23 USD (đối với phần thiết bị nước ngoài) và 116.696.735.014 VNĐ (phần thiết kế lắp đặt trong nước).
Quyết định 638/ QĐ-VNPT Net-KHĐT – PTM ngày 27/3/2018 do Phó Tổng Giám đốc VNPT Net Nguyễn Như Thông ký về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thiết kế kỹ thuật và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc Dự án “Mở rộng mạng vô tuyến khu vực 18 tỉnh miền Bắc mạng Vinaphone 2018”
Khi giải thích về việc chỉ định thầu vượt hạn mức đối với hàng loạt gói cung cấp thiết bị vô tuyến do VNPT Net là chủ đầu tư, đại diện VNPT viện dẫn cơ sở pháp lý để VNPT Net áp dụng một loạt gói thầu theo hình thức chỉ định thầu là căn cứ vào điểm c, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu.
Trong đó quy định của Luật Đấu thầu, một trong các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong trường hợp gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác.
Ngoài ra, về quy trình chỉ định thầu thông thường quy định tại khoản b điểm 3 điều 55 Nghị định 63/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu quy định, nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trong đó nhà thầu phải có năng lực, kinh nghiệm và đề xuất kỹ thuật đáp ứng gói thầu.
Khi nói về năng lực và kinh nghiệm của các nhà thầu trong nước để tham gia các gói thầu cung cấp thiết bị cho hệ thống vô tuyến, đại diện của VNPT từng khẳng định, đối với hệ thống thiết bị vô tuyến mạng 2G, 3G, 4G trên toàn thế giới chỉ có 4 nhà sản xuất và cung cấp thiết bị bao gồm Ericsson, Huawei, Nokia và ZTE (Samsung và một số hãng Nhật Bản cung cấp thiết bị chỉ dùng nội địa với tiêu chuẩn riêng).
Và việc gắn tên thương hiệu Ericsson, Huawei, Nokia và ZTE…, nhà thầu trong nước không đủ năng lực để sản xuất được vật tư này, là hàng hóa chuyên dụng, chưa được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam. Như vậy, căn cứ lời giải thích của đại diện VNPT, không có bất kỳ nhà thầu trong nước nào đủ năng lực và kinh nghiệm để cung cấp hàng hóa thiết bị vô tuyến.
Cũng theo tài liệu mà chúng tôi có được, tại một gói thầu tương tự khác được VNTP Net tổ chức đấu thầu hạn chế trước đó là Gói thầu Thiết kế kỹ thuật và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc Dự án “phát triển mạng vô tuyến các tỉnh phía Bắc mạng Vinaphone 2016-2017” trước đó, nhà thầu CTIN cũng không đủ năng lực và kinh nghiệm để tham gia nên đã phải liên danh với nhà thầu nước ngoài để tham gia đấu thầu. Cũng tại gói thầu này, nhà thầu CTIN trúng thầu ở phần thiết kế lắp đặt thiết bị.
Trong khi đó, Công văn hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi đánh giá quy mô hợp đồng tương tự (phần năng kinh nghiệm nhà thầu trong tiêu chuẩn đánh giá tại các mẫu hồ sơ mời thầu), chỉ đánh giá hợp đồng có tính chất tương tự với phần công việc mà nhà thầu đó đã đảm nhận trong liên danh.
Như vậy, nếu căn cứ vào lý giải của đại diện của VNPT và quy định pháp luật đấu thầu, dựa vào cơ sở nào để Phó Tổng giám đốc Nguyễn Huy Thông chỉ định để nhà thầu CTIN trúng thầu Gói thầu Gói thầu Thiết kế kỹ thuật và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc Dự án “Mở rộng mạng vô tuyến khu vực phía Bắc mạng Vinaphone 2018”? Trong khi căn cứ quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu của Phó Tổng Nguyễn Huy Thông, chỉ riêng phần cung cấp thiết bị tương đương 13 triệu USD, chiếm hơn 70% tổng giá trị trúng thầu của cả gói thầu trên.
Cơ sở pháp lý nào để phê duyệt CTIN trúng thầu vượt hạn mức?
Theo điểm c, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu, quy định của Luật Đấu thầu, một trong các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu vượt hạn mức theo quy định của Luật Đấu thầu chỉ áp dụng trong trường hợp gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác.
Tuy nhiên, điều bất ngờ, Gói thầu “Thiết kế kỹ thuật và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến” thuộc dự án Phát triển mạng vô tuyến các tỉnh miền Bắc mạng Vinaphone giai đoạn 2016 -2017; Giá gói thầu 323.752.500.000 được tổ chức theo hình thức đấu thầu hạn chế quốc tế để lựa chọn nhà thầu đáp ứng được, nhà thầu trúng thầu là Liên danh nhà thầu Huawei Technologies CO, Ltd và CTIN. Giá trúng thầu 65.305.082.400 VNĐ và 8.148.081,10 USD. Đáng chú ý tại gói thầu này, CTIN chỉ đảm nhiệm phần việc thiết kế lắp đặt, trong khi nhà thầu ngoại Huawei thực hiện phần việc cung cấp thiết bị.
Vậy căn cứ vào đâu để VNPT Net phê duyệt chỉ định thầu cho nhà thầu CTIN trúng thầu (với tư cách nhà thầu độc lập) đối với Gói thầu Thiết kế kỹ thuật và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc Dự án “Mở rộng mạng vô tuyến khu vực phía Bắc mạng Vinaphone 2018” trong khi ở gói thầu được VNPTnet tổ chức đấu thầu hạn chế, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Liên danh nhà thầu Huawei Technologies CO, Ltd và CTIN.
Phải chăng vì CTIN là công ty con trực thuộc Tập đoàn VNPT nên có những ưu ái nhất định khi nhà thầu này tham gia đấu thầu các gói thầu của Tập đoàn VNPT nói chung cũng như VNPTnet nói riêng? Ngoài ra, với tỷ lệ phần thiết kế lắp đặt chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng giá gói thầu của Gói thầu Thiết bị kỹ thuật và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thì việc VNPT Net áp dụng gói thầu trên là gói thầu mua sắm hàng hóa mà không phải là gói thầu hỗn hợp để áp dụng chỉ định thầu vượt hạn mức (áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa) đã đúng quy định của pháp luật chưa cũng là câu hỏi mà dự luận đang rất quan tâm.
Tại Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các Tổng công ty nhà nước phải chủ trọng kiểm tra các gói thầu có quy mô lớn, phức tạp, các gói thầu không nằm trong hạn mức nhưng áp dụng chỉ định thầu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề nêu trên.
Chỉ định thầu trái phép có thể bị phạt tù đến 20 năm
Điều 90 Luật Đấu thầu 2013 quy định về xử lý vi phạm pháp luật đấu thầu.
Theo đó, người vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sư; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại, cụ thể:
- Bồi thường thiệt hại:
Điều 124 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan”.
Như vậy, trường hợp chỉ định thầu trái phép gây ra thiệt hại thì người có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu.
- Xử lý hình sự:
Người nào có hành vi chỉ định thầu trái pháp luật có thể cấu thành Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tù lên tới 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |