Không tăng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa cho học sinh khó khăn

25/08/2021 17:13

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành Chỉ thị số 800 về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19; Tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

Ảnh minh họa

Chỉ thị nêu rõ, năm học 2021 - 2022, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm an toàn trường học. Đồng thời, ngành ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trong Chỉ thị, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, các trường rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020-2021; Đồng thời có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu toàn ngành tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương cần tổ chức khai giảng linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương; Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Đối với giáo dục mầm non, không áp dụng hình thức dạy học trực tuyến mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, cung cấp kịp thời sách giáo khoa cho học sinh; Không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học; Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030...

Các nhiệm vụ còn lại được nêu tại Chỉ thị gồm: Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Bộ trưởng cũng yêu cầu nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ việc dạy học, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không để không em nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường; Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng phân cấp và thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo…

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khong-tang-hoc-phi-ho-tro-kip-thoi-sach-giaoa-khoa-cho-hoc-sinh-kho-khan-174992.html